Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL); Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR); Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo).
Phát biểu phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 được tổ chức nhằm phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới. Diễn đàn giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp nhìn nhận tổng quan về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học trao đổi về các khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng. Đồng thời, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và mở rộng hợp tác.
Kết quả của diễn đàn là cơ sở để các bộ, ngành tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2.10.2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn tổ chức 2 phiên toạ đàm. Phiên thứ nhất chia sẻ, thảo luận về các chính sách và chương trình hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế.
Tại phiên một, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, dự thảo quy hoạch điện VIII đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Một số quan điểm lớn trong Quy hoạch Điện VIII là giảm điện than; khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Đây là nguồn năng lượng có tiềm năng nhưng trong thời gian qua chưa được phát triển. Ông Hoàng Tiến Dũng cũng cho rằng, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp rất quan trọng để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Phiên thứ hai chia sẻ về Xu hướng công nghệ mới và những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu, với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới năng lượng tái tạo. Với sự tham gia của đại diện của các Tập đoàn, các tổng Công ty trong nước và nước ngoài đã chia sẻ những kinh nghiệm, những định hướng và những dự án mới đang triển khai của mình.
Tại phiên hai, ông Kiran Nair, Trưởng phòng Công nghệ, Công ty ADANI (ADANI Green Energy Limited) chia sẻ nhu cầu của Tập đoàn Adani, mong muốn đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết định hướng phát triển trong xu hướng chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam là xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia; có tiềm lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ và năng lực quản trị ngang tầm khu vực. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và định hướng công nghệ mới của Petrovietnam đóng vai trò then chốt.