Quy hoạch để phát triển bền vững
Với tổng diện tích tự nhiên gần 6.000km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp lên đến 70%; cùng với 60% dân số tập trung ở nông thôn; vì vậy, dù là tỉnh công nghiệp, nhưng qua nhiều thời kỳ lãnh đạo tỉnh, nông nghiệp vẫn luôn được chú trọng phát triển.
Nhờ những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nên ngành nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển tích cực; góp phần thực hiện công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đa dạng về sản phẩm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản xuất nhận hàng và toàn ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã rà soát và xác định được 98 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 18.970 ha. Trong đó, 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đáp ứng được các tiêu chí của Chính phủ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, gắn với mục tiêu phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình cây dược liệu Xáo Tam phân, Sa chi; mô hình nuôi lươn không bùn tại xã An Viễn, Sông Trầu; mô hình trồng chuối cấy mô gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Trung Hòa; mô hình trồng rau an toàn tại xã Phú Lâm, mô hình trồng bưởi da xanh xã Tà Lài, mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ, mô hình nuôi dê tại xã Phú Xuân; Mô Hình trồng rau thủy canh tại Phường Trảng Dài; nuôi trồng Đông trùng Hạ Thảo, phường Trảng Dài; trồng rau tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống phun sương tại phường Tân Phong, xã Tân Hạnh; Mô hình nuôi tôm công nghệ cao thành lập tổ hợp tác nuôi tôm xã Vĩnh Thanh; nuôi sò huyết tại xã Phước An; trồng và kinh doanh trà Phú Hội tại xã Phú Hội; chế biến sen tại Hợp tác xã trồng và chế biến sen Trường Phát xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch.
Coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu đột phá
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi thì tỉnh luôn coi nông nghiệp công nghệ cao là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh.Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này, do đó, cần tiếp tục vận động hội viên, nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình ứng dụng CNC. Nhưng đến nay, theo thống kê từ các địa phương, chỉ với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã có 45 mô hình tiêu biểu về ứng dụng CNC, vượt chỉ tiêu về số lượng so với mục tiêu đề ra. Các mô hình ứng dụng CNC đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 2-3 lần. Cụ thể, sầu riêng có 5 mô hình ứng dụng CNC với diện tích 706 ha, thu lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Về lĩnh vực thủy sản, đến nay toàn tỉnh có 77 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC tại huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành với tổng diện tích gần 156ha, cho lợi nhuận khoảng 600-800 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, tại huyện Cẩm Mỹ hiện nay đã phát triển một số mô hình trồng rau công nghệ cao, ứng dụng nhà màng nhằm sản xuất rau quanh năm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó điển hình là mô hình trồng xà lách trong nhà màng của hộ bà Nguyễn Thị Khánh tại ấp 10 xã Sông Ray với diện tích 0,7 ha. Nhà màng được chủ hộ đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2017 với chi phí 300 triệu đồng/sào, có kết cấu rất kiên cố, vững chắc, cao ráo, chỉ phủ màng nilong phần mái nên rất thoáng mát trong mùa nắng và ngăn được sự ảnh hưởng của nước mưa giúp sản xuất thuận lợi hơn. Mô hình nhà màng để hở phần chân do sâu hại trên xà lách không đáng kể nên không cần thiết làm kết cấu nhà màng kín, tiết kiệm được chi phí đầu tư. Mỗi năm hộ đã cung ứng ra thị trường trung bình 45 tấn rau/năm. Ngoài ra bà Khánh còn có xe tải chủ động phân phối đến các điểm tiêu thụ với giá bán ổn định 20.000 đồng/kg, doanh thu bình quân đạt 900 triệu đồng/năm. Sản phẩm rau xà lách của hộ bà Khánh cũng đã được đưa vào cửa hàng Bách hóa xanh tại huyện và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.