Bác sĩ ngoại tổng quát Nguyễn Văn Khoa, CIH cho biết, đặt stent đường tiêu hoá là kỹ thuật mới, được ứng dụng để điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trực tràng quá chỉ định phẫu thuật hay trì hoãn để nâng đỡ tổng trạng, hồi sức, hỗ trợ dinh dưỡng trước khi can thiệp phẫu thuật.
Cụ thể như trường hợp của một bệnh nhân nữ 60 tuổi (ngụ TP Hồ Chí Minh) bị ung thư trực tràng, di căn gan đến CIH cấp cứu trong tình trạng đau bụng cấp, sốt lạnh run. Qua thăm khám, xét nghiệm, chụp CT bụng cho thấy bệnh nhân bị u trực tràng cách rìa hậu môn 4 cm hẹp lòng gần như hoàn toàn, nhiễm trùng ổ bụng do phân, suy dinh dưỡng và có ống dẫn lưu trực tràng, dẫn lưu bụng.
Vấn đề cấp bách của bệnh nhân này là cần phải giải quyết được tình trạng nhiễm trùng, nâng đỡ dinh dưỡng và làm sao rút các ống dẫn lưu trong ổ bụng, ống dẫn lưu trực tràng thì mới có thể hoá trị và đánh giá lại khả năng phẫu thuật. Tuy nhiên, do bướu bị hẹp lòng nên khi bác sĩ nội soi đặt ống thông từ hậu môn ngược lên, ống thông này không lên được.
Qua hội chẩn, ê kíp đã quyết định thực hiện kỹ thuật đặt stent kim loại tự bung qua vị trí khối u, giúp giải áp và khơi thông đường tiêu hóa. Ca can thiệp được thực hiện trong khoảng 60 phút bởi BS.CKII Đinh Đức Minh, Trung tâm nội soi CIH - Gia An 115. Sau hai tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng ổn định, có thể tự đi lại được và tinh thần khá lên để tiếp tục phác đồ điều trị ung thư trực tràng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khoa cho biết, tại CIH, đặt stent đường tiêu hóa không chỉ được áp dụng cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng mà còn trong điều trị các bệnh lý như: hẹp thực quản do ung thư, hoãn phẫu thuật để nâng đỡ tổng thể trạng cho bệnh nhân, điều trị tạm thời nong chỗ hẹp miệng nối trực tràng sau phẫu thuật.
Kỹ thuật đặt stent được xem là lựa chọn trì hoãn phẫu thuật để điều trị nâng đỡ, hồi sức, nâng đỡ tổng trạng cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng có biến chứng tắc hoặc bán tắc ruột, điều trị giảm nhẹ cho những trường hợp không thể phẫu thuật. Hiện nay, kỹ thuật này đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Theo bác sĩ Đinh Đức Minh, ung thư trực tràng nếu được phát hiện sớm thì điều trị sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đa số trường hợp mắc bệnh đều phát hiện ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém chi phí. Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu: tiêu chảy, táo bón thất thường, đi tiêu ra máu hoặc phân có màu đen, đầy hơi, chướng bụng, thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân… thì đến các cơ sở y tế để thăm khám.