Chuyển động vùng cao biên giới Sơn La

Trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã dành sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt để tập trung huy động nguồn lực lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Chú thích ảnh
Vốn chính sách giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La phát triển chăn nuôi.

Giám đốc NHCSXH Sơn La, ông Hoàng Xuân Trường cho biết: Từ sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã thực sự vào cuộc và các tầng lớp nhân dân khắp nông thôn, thành thị, trong vùng sâu, trên miền biên giới phấn khởi tham gia trực tiếp công tác tín dụng chính sách. NHCSXH được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch và bổ sung vốn ngân sách sang địa phương, tạo tiền đề cho tăng trưởng nguồn vốn ổn định, cũng như nâng cao năng lực hoạt động.

Tổng nguồn vốn mà NHCSXH Sơn La được giao đến ngày 31/5/2021 là 5.005 tỷ đồng, tăng 316 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn Trung ương chuyển về hơn 4.309 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương ủy thác là 145 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch, tăng trưởng 13,3 tỷ đồng.

Suốt chặng đường xây dựng và phát triển gần 20 năm qua, nhất là sau khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Chỉ thị 40 đi vào đời sống, nguồn vốn nhận ủy thác địa phương đã trở thành điểm sáng trong việc tập trung huy động nguồn lực dồi dào, giúp ngân hàng chủ động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần làm chuyển động cả vùng cao biên giới phía Bắc.

Chú thích ảnh
 Những mô hình trồng cây ăn quả có sự trợ giúp từ nguồn vốn chính sách.

Có nguồn vốn lớn, có mô hình tổ chức phù hợp, cùng với mạng lưới điểm giao dịch trải khắp toàn tỉnh xuống tận các xã và hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn bản được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách, không chỉ góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng mà còn giúp cho ngân hàng chủ động thực thi nhiệm vụ cao cả đồng hành với người dân trên con đường xóa đói giảm nghèo. Những cán bộ tín dụng chính sách cũng có thêm điều kiện bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể, cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được và hơn 145 tỷ đồng vốn ủy thác địa phương đã được những người làm tín dụng chính sách vùng cao biên giới Sơn La chẳng quản ngại suối sâu, đèo cao, nắng lửa mưa nguồn, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, bền bỉ chuyển nhanh, chuyển an toàn về khắp địa bàn, bất kể các xã đặc biệt khó khăn hay các huyện nghèo 30a.

Thông qua phương thức cho vay trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, NHCSXH Sơn La đã giúp khoảng 16.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo… có điều kiện chủ động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc; đầu tư chăn nuôi được 21.000 con trâu, bò; mở rộng, thâm canh 15.637 ha vườn cây ăn quả đặc sản như xoài, chanh leo lòng vàng, thanh long ruột đỏ. Đặc biệt, đồng vốn chính sách đã hỗ trợ các huyện nghèo và 112 xã đặc biệt khó khăn khai hoang, phục hóa 610 ha ruộng nước, 600 ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng lạc, nuôi cá lồng bè, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,44% năm 2016 xuống còn 18,7% năm 2020. Hai huyện vùng cao là Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a cũng có sự góp phần tích cực của nguồn vốn chính sách.

Đơn cử tại Nậm Lạnh, xã biên giới của huyện Sốp Cộp, để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ và đúng về chính sách ưu đãi giảm nghèo của Đảng, Chính phủ, từ đó giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay cải tạo đất đồi, lập vườn trồng cây ăn quả và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Nhờ đồng vốn chính sách, Nậm Lạnh chuyển đổi được 124 ha cây ăn quả, phát triển đàn trâu bò trên 4.300 con. “Trước đây, người dân xã chủ yếu trồng sắn, ngô, đời sống khó khăn. Từ khi được tuyên truyền, nhất là được vay 30 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất thông qua các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác nên đời sống nhân dân có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,64% tính đến cuối năm 2019”, ông Tòng Văn Yêm, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lạnh cho biết.

Chú thích ảnh
NHCSXH Sơn La giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã đảm bảo phòng chống COVID-19.

Còn ở Tân Lập, một xã nằm trên vành đai biên giới Việt - Lào của huyện Mộc Châu, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, sôi nổi tham gia phong trào vay vốn, sử dụng vốn tín dụng chính sách vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lập vườn cây ăn quả đặc sản như cam Vinh, mận Hậu, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Một số gia đình sử dụng vốn chính sách làm ăn phát đạt, với mức thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/năm như ông Lò Văn Keng, bản Hoa 2 nuôi đàn bò thịt 10 con, xây 3 chuồng lợn gồm 5 con lợn nái, 40 con lợn giống. Chị Lò Thị Dậu ở tiểu khu 34 khai hoang mở đất trồng 2 ha ngô lai, 3 ha mận Hậu, hồng không hạt đã thoát cảnh nghèo, mua được máy cày đất, máy cắt cỏ. Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Vùng cao này hiện có 92% nhà ở của dân được xây mới, vững bền, thoáng đãng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 10%; thu nhập hàng năm đầu người tăng trên 28 triệu đồng. Tất cả nhờ công sức đóng góp thiết thực và to lớn của NHCSXH tỉnh, huyện đó”.

Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH Sơn La tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Đảng về tín dụng chính sách, đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực, tăng cường phòng chống dịch bệnh, thiên tai, khẩn trương chuyển tải đầy đủ nguồn vốn về các vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần tích cực thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự xã hội.

Đông Dư
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng: Huy động vốn nhanh, phòng chống dịch tốt
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng: Huy động vốn nhanh, phòng chống dịch tốt

Từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng đã bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành và địa phương, vừa tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa kịp thời đề ra nhiều giải pháp huy động nguồn lực, truyền tải nguồn vốn chính sách đến tận tay các đối tượng thụ hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN