Nổi bật về hoạt động của NHCSXH Sóc Trăng trong năm 2021 là dù có tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, doanh số cho vay vẫn đạt 1.200 tỷ đồng, với 39.840 khách hàng được vay vốn và mức cho vay bình quân 30 triệu đồng/hộ, tăng 2,4 triệu đồng so với 31/12/2020. Riêng về cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho những khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ cũng đạt con số 2.500 triệu đồng.
Đạt được kết quả trên là do Ban lãnh đạo NHCSXH Trung ương và Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm chỉ đạo việc tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo tinh thần Chỉ thị 40 của Ban bí thư. Trong năm 2021, tất cả 11/11 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành kế hoạch chuyển vốn ngân sách, dẫn đầu là huyện Châu Thành chuyển 1,2 tỷ đồng, đạt 133%, tiếp theo huyện Thạnh Trị đạt 110%. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Sóc Trăng còn dành một khoản tiền lớn từ nguồn vốn ngân sách tiết kiệm chi tiêu chuyển qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tham gia chương trình phục hồi kinh tế, chuyển đổi ngành nghề.
Cũng trong năm 2021, bên cạnh việc được lãnh đạo hệ thống và chính quyền địa phương tin tưởng giao thực hiện nhiều chương trình tín dụng và bổ sung, ủy thác thêm nguồn vốn hoạt động, NHCSXH Sóc Trăng đã tập trung khai thác các nguồn vốn thị trường, duy trì nhận tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo qua tổ tiết kiệm và vay vốn, đẩy mạnh huy động tiền gửi dân cư tại các Điểm giao dịch xã, nhờ vậy tạo lập được nguồn vốn lớn, chạm đến đích 4.000 tỷ đồng cùng tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt xấp xỉ 8%/năm.
Công tác tín dụng chính sách ở Sóc Trăng có bước chuyển biến tích cực từ việc hội tụ các nguồn lực tài chính về một đầu mối đến sự đổi mới quy trình thủ tục, phương thức truyền dẫn vốn và cấp vốn chính sách. Song hành với thực hiện mục tiêu tập trung huy động nguồn vốn, NHCSXH Sóc Trăng đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đó là mạng lưới hoạt động của NHCSXH có độ che phủ rộng khắp toàn tỉnh với các phòng giao dịch cấp huyện cùng các Điểm giao dịch tại xã làm điều kiện tiên quyết xóa tình trạng vùng trắng về tín dụng của Nhà nước, đồng thời còn tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn chính sách. Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được củng cố, kiện toàn đã đảm bảo đủ 3 tiêu chí hoạt động: đủ số thành viên, đủ vốn liếng, đủ tổ trưởng có năng lực quản lý kinh tế, thực hiện việc bình xét đối tượng vay vốn chính sách công khai, dân chủ, hạn chế cho vay sai đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Nhờ có ngồn vốn lớn, với mô hình tổ chức quản lý phù hợp và mạng lưới rộng khắp nên những người làm tín dụng chính sách ở Sóc Trăng thời gian qua chẳng quản ngại khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đã bền bỉ, năng động chuyển tải về 109 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, phân bổ tới 3.176 Tổ TK&VV ở thôn ấp, khối phố, giúp bà con khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao cuộc sống. Dòng vốn chính sách được khơi thông, chảy đều đặn. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Điển hình cho ý chí vượt khó làm giàu là chị Thạch Thị Sà Vượt, dân tộc Khmer, ở xã Hồ Đắc Kiện, vốn thuộc diện hộ nghèo. Chị được NHCSXH huyện Châu Thành cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để nuôi bò sinh sản kết hợp với tận dụng đất xung quanh nhà trồng rau màu. Sản xuất phát triển, kinh tế gia đình khấm khá, chị Sà Vượt đã làm dơn xin ra khỏi hộ nghèo. Còn đối với gia đình anh Lê Thanh Vẹn ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách cũng nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi mà có điều kiện mua giống cây tốt, vật tư chọn lọc để trồng và chăm sóc vườn sầu riêng, xoài Cát Chu, thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng.
“Giữa lúc dịch giã, đích thân giám đốc NHCSXH tỉnh cùng cán bộ tín dụng đến thăm mô hình chăn nuôi, trồng trọt của hộ nghèo và động viên đồng bào cứ mạnh dạn sản xuất, NHCSXH có cách giúp vay thêm vốn ưu đãi”, ông Sơn Hoạt, dân tộc Khmer, ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu tâm sự.
Đến hết năm 2021, tỉnh Sóc Trăng chỉ còn 37.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tương đương 11,6%, giảm 5,35% so với thời điểm cuối năm 2015. Tỷ lệ giảm nghèo ở Sóc Trăng nhanh chóng có phần đóng góp quan trọng của NHCSXH. Và ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, chúng tôi nhận được tin vui khi NHCSXH Sóc Trăng được tham gia Dự án phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh với tổng vốn 2.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho 21.000 lao động nông thôn.
Được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các chi nhánh NHCSXH trong cả nước, NHCSXH Sóc Trăng đã thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng cho mỗi huyện một cây cầu dân sinh với tổng giá trị 3 tỷ đồng. Các cây cầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng ở các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Châu Thành, Vĩnh Châu, Ngã 5, Kế Sách.