Ông Võ Văn Đức, Giám đốc chi nhánh NHCSXH Bình Dương cho biết: Suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, toàn đơn vị đã tận tâm, đồng lòng tham gia trực tiếp công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an ninh xã hội bền vững thông qua những việc làm cụ thể như lập kế hoạch xử lý phù hợp, tập trung huy động được nguồn lực tài chính lớn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Lợi ích rõ rệt được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đến ngày 30/4/2022 đạt 4.269,3 tỷ đồng, tăng 322,9 tỷ đồng so với đầu năm và 75.838 khách hàng còn dư nợ. Vượt qua dịch COVID-19, nguồn vốn ưu đãi vẫn tăng đều, thông suốt dòng chảy để góp phần phục hồi kinh tế xã hội theo chủ trương của Chính phủ. Nguồn vốn do huy động, tạo lập được, kể cả nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang 1.825 tỷ đồng từ triển khai Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã được những người làm công tác tín dụng chính sách phối hợp chặt chẽ với những cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở và Tổ trưởng 1.605 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) chuyển tải đến 91 Điểm giao dịch xã để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời thực hiện cho vay hỗ trợ theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về việc cho vay hỗ trợ trả lương người lao động ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đặc biệt từ 3 tháng nay, Chi nhánh NHCSXH Bình Dương đã và đang tích cực, tăng cường triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
Nhằm triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời hiệu quả, NHCSXH Bình Dương đã tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo, triển khai trong toàn tỉnh các chương trình tín dụng chính sách và thực hiện hỗ trợ lãi suất cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định tại Nghị quyết 11. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh chú trọng phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện rà soát nhu cầu vốn chính sách từ các huyện, thị xã, thành phố, thông qua việc rà soát đã đề ra nhiều biện pháp huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, trong đó trọng tâm là ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chủ động báo cáo NHCSXH Trung ương chuyển nguồn vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách.
Hiện tại, các đơn vị trực thuộc NHCSXH tỉnh thi đua đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền các chương trình tín dụng được giao thực hiện theo Nghị quyết 11 để các đối tượng thụ hưởng nắm bắt kịp thời, phân bổ nguồn vốn công khai, minh bạch, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế từng địa phương, trong đó ưu tiên cho vay đối với người lao động và các cơ sở kinh doanh sớm vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.