Năm 2017, được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa. Sau thời gian thử nghiệm và đem lại hiệu quả, tháng 01/2018, Agribank đã chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động tại 62 tỉnh, thành phố với tổng số 68 xe.
Triển khai hơn 3.500 phiên giao dịch, phục vụ 377.000 lượt khách hàng
Với mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân địa phương, đáp ứng được nhu cầu vốn, đặc biệt người dân ở vùng sâu ,vùng xa, đi lại khó khăn, Agribank đã đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên xe giao dịch lưu động như giải ngân, thu nợ, huy động tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thẻ, chuyển và nhận tiền trong nước, dịch vụ bảo hiểm…
Sau 01 năm triển khai chính thức, đến 28/02/2019, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng Agribank đã thực hiện được 3.641 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 376.371 khách hàng tại địa bàn 389 xã, tổng số tiền giải ngân đạt 1.449 tỷ đồng.
“Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng của Agribank mang lại nhiều tiện lợi cho bà con xã Nà Mường. Từ nay, chúng tôi không còn phải đi tới 50km đường đồi núi để đến các điểm giao dịch của ngân hàng như trước đây nữa. Việc rút ngắn được khoảng cách và thời gian tiếp cận với ngân hàng sẽ giúp cho chúng tôi có thêm thời gian yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất và đặc biệt là mỗi khi bà con cần tiền cũng sẽ có cơ hội được giải ngân nhanh hơn rất nhiều so với trước đây” - Anh Đinh Văn Giêng ở bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, Sơn La vui mừng chia sẻ sau khi thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động của Agribank.
Qua đánh giá của chính quyền và nhân dân các địa phương, từ khi điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hoạt động đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng; giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn về tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Đối với Agribank, việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng giúp tiết giảm chi phí, nguồn nhân lực rất lớn so với việc mở thêm phòng giao dịch.
“Việc Agribank chi nhánh huyện Mộc Châu triển khai Điểm giao dịch lưu động phục vụ bà con nông dân vùng sâu vùng xa đã góp phần phát triển kinh tế hàng hóa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, từng bước thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở địa phương” - Ông Lường Tiến Quynh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết.
Thông qua triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã đẩy mạnh sự phối hợp có hiệu quả của Agribank với chính quyền địa phương, các tổ chức hội; tạo điều kiện để chính quyền địa phương, tổ chức hội tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chính sách tín dụng Ngân hàng, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến… góp phần nâng cao dân trí của người dân, tạo sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Nhận thức trách nhiệm của ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định không đứng ngoài cuộc trước tình trạng tín dụng đen tồn tại ở các vùng quê. Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp Ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ đạt trên 115.000 tỷ đồng với hơn 1,4 triệu tổ viên. Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Agribank đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thời gian giải ngân nhanh, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, chính đáng của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn.
Bằng việc kết hợp Điểm giao dịch lưu động với cho vay qua tổ vay vốn, Agribank đã khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho “Tam nông”, cải thiện đời sống của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, tạo cơ hội cho các hộ thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được ngồn vốn vay với thủ tục đơn giản, tiện lợi. Bên cạnh đó, việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận kịp thời các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giải pháp hữu hiệu góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Với những kết quả tích cực đạt được của giai đoạn I, có thể nói Điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả Agribank và khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa. Điểm giao dịch lưu động đã góp phần giúp Agribank phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng. Từ đó góp phần chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân. Đây cũng điều kiện thuận lợi góp phần tăng cường uy tín, vị thế của Agribank, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Quá trình 31 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vai trò của ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”. Đầu tư vào lĩnh vực được cho là bấp bênh, nhiều rủi ro, Agribank luôn kiên trì, tìm ra những giải pháp mới đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, đồng hành cùng nông dân cả nước có cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể nói là hướng đi riêng, hiệu quả cao của Agribank.. Tính đến ngày 28/2/2019, Agribank đã triển khai 3.641 phiên giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, phục vụ hơn 376.371 lượt khách hàng tại địa bàn 389 xã trên cả nước, trung bình mỗi phiên giao dịch phục vụ 103 khách hàng; thực hiện giải ngân 1.449 tỷ đồng, thu nợ gốc – lãi hơn 1.453 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 471 tỷ đồng, cung cấp các dịch vụ khác tới 41.160 khách hàng.