Với nỗ lực chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, Bộ Công Thương vừa ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo. Theo đó, bắt đầu từ tháng 3/2015, DN xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh đơn vị mình.Nhiều doanh nghiệp lo thiếu vốn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu lúa gạo. |
Gắn kết lợi íchBộ Công Thương đã đưa ra ba phương thức xây dựng vùng nguyên liệu để DN lựa chọn. Cụ thể, DN có thể xây dựng dự án cánh đồng lớn hoặc ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với hộ nông dân hoặc đại diện của nông dân trồng lúa. Phương thức khác là xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của DN trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa.
“DN xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn/năm, trong năm đầu tiên phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500 ha, từ năm thứ hai trở đi sẽ tăng thêm 300 ha mỗi năm. Diện tích vùng nguyên liệu sẽ tăng tương ứng với số lượng gạo xuất khẩu của DN. Khi tiến hành khảo sát, chúng tôi thấy rất nhiều DN chọn phương án 2”, TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng song Cửu Long cho hay.
Quy mô tối thiểu ban đầu và lộ trình tối thiểu tăng dần vùng nguyên liệu của DN giai đoạn 2015 - 2020 được Bộ Công Thương xác định là dựa trên lượng gạo xuất khẩu trong giai đoạn 2011 - 2013 của từng DN. Khi đó, DN xuất khẩu gạo sẽ phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa mới được làm đầu mối xuất khẩu gạo. Nếu làm được điều này DN sẽ chủ động được nguồn hàng, nông dân có thị trường tiêu thụ ổn định hơn và khuyến khích được DN đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn.
Tại Hội nghị tổng kết công tác xuất khẩu gạo năm 2014 được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ khuyến khích DN đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trong tất cả các vụ sản xuất chính trong năm và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lớn hơn mức tối thiểu. Căn cứ vào tình hình thực tiễn và kết quả triển khai thực hiện, Bộ sẽ xem xét, điều chỉnh quy mô và lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu sao cho phù hợp. Các đối tượng tham gia liên kết, nếu vi phạm hợp đồng đã ký, ngoài việc chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, còn bị thu hồi khoản hỗ trợ đã nhận, không được hỗ trợ trong năm tiếp theo.
“Thực tế nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc tiêu thụ lúa, gạo từ xưa đến nay vẫn do thiếu vắng vai trò của DN xuất khẩu. Qua liên kết vai trò, trách nhiệm của nông dân và DN sẽ được phát huy. Nông dân sẽ chủ động về đầu ra, yên tâm tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng theo đơn đặt hàng. Còn DN sẽ an tâm về chất lượng đáp ứng những quy định của các nước nhập khẩu về tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ...”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vẫn khó triển khai
Theo các chuyên gia trong ngành, thực tế hiện nay, mỗi vụ thu hoạch, giá lúa gạo thường xuống thấp. Nguyên nhân do DN xuất khẩu gạo không chịu đầu tư kho tồn trữ, không có vùng nguyên liệu mà hầu như chỉ đi thu gom xuất khẩu khi ký được hợp đồng. Trong khi đó trình độ sản xuất của nhà nông vẫn còn rất hạn chế, sử dụng thừa giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến giá thành sản xuất cao, lợi nhuận thấp. Hiện nông dân bán lúa trực tiếp cho DN chiếm tỷ lệ rất thấp và hầu hết DN mua gạo chứ không mua lúa đã góp phần ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo xuất khẩu và giảm lợi nhuận của nhà nông...
“Do không liên kết với nông dân, không đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nên nhiều DN đã không thực hiện được hợp đồng xuất khẩu. Nhiều DN đi chào hàng ở nước ngoài, khi đã tìm được đối tác ký hợp đồng rồi mới quay trở về gom hàng. Tuy nhiên, cách làm này lại phát sinh nhiều trắc trở như: giống lúa theo đơn đặt hàng của đối tác không còn được nông dân sản xuất, số lượng hàng không đủ theo đơn hàng, chất lượng hàng không bảo đảm... khiến hợp đồng không thực hiện được” - TS Lê Văn Bảnh nói thêm.
Theo phản ánh của nhiều DN, hạn chế lớn trong hoạt động của phần lớn DN xuất khẩu gạo hiện nay là còn yếu về hệ thống lò sấy, kho trữ lúa, chưa chủ động điều tiết cung - cầu lúa gạo, thiếu sự liên kết... Bộ Công Thương yêu cầu DN phải đầu tư kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo là cần thiết và hợp lý để nâng cao khả năng xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nếu bắt DN gánh thêm cả việc phải có vùng nguyên liệu là rất khó vì hiện nay DN không có chuyên môn về sản xuất lúa và đủ vốn để bao tiêu cả sản xuất lúa gạo.
Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu chia sẻ: “DN chúng tôi đang làm những thủ tục cần thiết để phát triển cánh đồng lớn nhưng có lẽ điều khó khăn nhất không chỉ của riêng bản thân đơn vị là tìm nguồn vốn ban đầu khá lớn để triển khai. Thật sự trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp muôn vàn khó khăn như hiện nay, việc chúng tôi phải chia kinh phí để đầu tư thêm vùng nguyên liệu là hết sức khó”.
Lê Nghĩa