Tổ đối thoại, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng hoạt động tích cực

Tháng 1 năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, do ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng và lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan là thành viên.

Chú thích ảnh
Sản xuất tại Công ty Trách nhiệm Dệt tơ tằm Việt Silk. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN

Qua 6 tháng hoạt động, Tổ công tác đã tham gia tích cực vào việc thay mặt UBND tỉnh để đối thoại với các doanh nghiệp, đồng thời giải quyết kiến nghị, khó khăn cho các doanh nghiệp vừa được phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trong hoạt động khảo sát, lấy ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và tổng hợp kiến nghị từ Liên minh hợp tác xã và các hiệp hội, Tổ đã thực hiện 1 đợt khảo sát, phát ra 1.300 phiếu và gửi trực tiếp đến email của các doanh nghiệp.

Qua ý kiến của các doanh nghiệp, đánh giá tỉnh Lâm Đồng chu đáo, hướng dẫn tận tình khi tới làm các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư; hài lòng khi doanh nghiệp tới liên hệ hoặc ứng dụng công nghệ thông tin làm các thủ tục về đất đai, môi trường; đánh giá khá tốt và không có vướng mắc khi thực hiện chính sách thuế, hải quan.

Đối với các chi phí không chính thức được 1 số doanh nghiệp đánh giá ở mức chấp nhận được. Các khoản phí, lệ phí và chi phí không chính thức giảm bớt; đã có những thay đổi tích cực trong năm của nhà nước đối với doanh nghiệp, được doanh nghiệp đánh giá cao về thủ tục, giấy tờ giảm nhiều…

Tuy nhiên, một số nội dung cũng được doanh nghiệp đánh giá chưa tốt như còn chậm trễ trong việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch đất của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; kiến nghị giải quyết ô nhiễm của Công ty TNHH Appolo Việt Nam do doanh nghiệp khác gây ra tại khu công nghiệp Lộc Sơn - Phú Hội đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong việc thanh, kiểm tra, các doanh nghiệp vẫn phải đưa quà cáp hoặc trả các khoản phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, số lần kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm còn vượt quá quy định; các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, thẩm định báo cáo tác động môi trường.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì một số lĩnh vực vẫn còn phiền hà nhiều nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính là bảo hiểm xã hội; đất đai, giải phóng mặt bằng; xây dựng và thanh quyết toán qua kho bạc.

Đặc biệt, vẫn còn những thông tin mà doanh nghiệp không thể tiếp cận như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và giai đoạn 5 - 10 năm của tỉnh; kế hoạch về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới; các kế hoạch đầu tư của tỉnh; các mẫu đơn xin đăng ký kinh doanh và sử dụng đất; địa chỉ và số điện thoại liên hệ của cán bộ nhà nước cấp tỉnh; dữ liệu về các doanh nghiệp đã đang ký kinh doanh của tỉnh…

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng: hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 11.937 doanh nghiệp đang hoạt động cùng với 5 Liên hiệp hợp tác xã, 479 hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 703 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 10.300 tỷ đồng, tăng 7,3% số doanh nghiệp và tăng 18,7% về vốn đăng ký. Cũng trong thời gian này, 374 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động; 100 doanh nghiệp giải thể và 226 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Toàn tỉnh có 9 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 703 tỷ đồng, quy mô 77,9 ha…

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Đề xuất giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp vận tải
Đề xuất giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN - Bộ GTVT) đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải. Theo khảo sát tại một số đơn vị kinh doanh vận tải, ở điều kiện kinh doanh có lãi, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35 - 45% (tuỳ loại hình vận tải).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN