Tiết kiệm 1,8 tỷ USD ngoại tệ từ nhập khẩu phân bón

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-Đạm Phú Mỹ (DPM) đã cán mốc sản lượng 5 triệu tấn phân đạm urê sau 7 năm hoạt động, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giúp tiết kiệm 1,8 tỷ USD ngoại tệ từ nhập khẩu phân bón cho đất nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tặng Bằng khen cho DPM.

Phát biểu tại lễ đón nhận tấn urê thứ năm triệu được tổ chức vào sáng 14/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việc vận hành an toàn, đảm bảo công suất tối đa trong suốt 7 năm qua của Nhà máy đạm Phú Mỹ không chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, góp phần quan trọng bình ổn thị trường phân bón trong nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà qua đó còn góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và chủ trương người “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bốc chuyển hàng phân bón tại bến cảng Nhà Rồng. Ảnh: Thanh Phàn-TTXVN


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị DPM tiếp tục duy trì sản lượng và nâng cao chất lượng đạm Phú Mỹ, đa dạng hóa các sản phẩm phân bón và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống phân bón giả để đảm bảo những mùa vàng bội thu.

Theo Tổng Giám đốc DPM Cao Hoài Dương, tiếp theo sự thành công trong vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ, theo chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, DPM đang tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bên cạnh đó, DPM tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón và đầu tư ra nước ngoài, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón và hóa chất của khu vực. Dự kiến năm 2011, DPM đạt doanh thu khoảng 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng.

Với tổng vốn đầu tư 380 triệu USD từ nguồn vốn trong nước, Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những dự án hiện đại bậc nhất của ngành dầu khí sản xuất phân đạm từ nguồn khí thiên nhiên. Tháng 9/2010, hệ thống thu hồi CO2 từ khí thải đi vào hoạt động đã nâng công suất nhà máy từ 740 nghìn tấn/năm lên 800 nghìn tấn/năm, góp phần rút ngắn thời gian cán mốc sản lượng 5 triệu tấn của nhà máy này.

Kim Anh - Huy Hiệp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN