Thương mại điện tử tiếp sức cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của CEL Consulting, Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng và điều hành sản xuất tại khu vực Đông Nam Á, thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đang ở giai đoạn sơ khai và còn phân mảnh nhưng có tiềm năng lớn để phát triển. Dự kiến, đến năm 2020 giá trị giỏ hàng của ngành thương mại điện tử Việt Nam có thể sẽ đạt mức 600 USD/người/năm.

 Tiềm năng và thách thức


Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và CNTT Việt Nam (VECITA) cho thấy, trong năm 2015, giá trị trung bình của giỏ hàng TMĐT của người tiêu dùng Việt Nam trị giá 150 USD/người/năm, tương ứng khoảng 4,1 tỉ USD doanh thu của TMĐT. Hướng đến năm 2020, số lượng người mua hàng trực tuyến được ước tính sẽ đạt 38,5 triệu người, tương đương 65% số lượng người dùng internet, nâng doanh thu TMĐT lên 10 tỷ USD.


Để có thể đạt con số này, bà Lê Thị Hà (Cục TMĐT & CNTT, Bộ Công thương) cho rằng với sự bùng nổ dân số cũng như sự phát triển mạnh của internet, smartphone, việc thực hiện mua sắm chỉ bằng “cú click” sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, hiện khoảng 45% dân số Việt Nam sử dụng internet (tương ứng với 41 triệu người), trong đó 62% số người dùng internet hiện có thực hiện các hoạt động mua sắm trực tuyến (tương ứng với khoảng 28% dân số cả nước). Mặt hàng được mua sắm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (62%); đồ công nghệ, điện tử (56%); thiết bị, đồ dùng trong gia đình (49%); sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng (42%). Ngoài ra, phương thức thanh toán cũng đã có sự cải thiện đáng kể nhờ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) và ngân hàng, đây là một trong những yếu tố góp phần cho TMĐT phát triển. 

Chính sách đổi trả hàng được Lazada cải thiện nhằm tăng niềm tin cho người tiêu dùng khi mua hàng online.

Hiện nay, các doanh nghiệp đi đầu trong ngành TMĐT như Lazada, Tiki, Zalora, C-Discount, Sendo...được đánh giá là đang trong giai đoạn xây dựng và định hình chiến lược, để vừa có thể thu lợi nhuận và giữ vững thị phần, đồng thời đảm bảo sự phát triển lâu dài.  Tuy nhiên, mới đây thêm một trang mạng  được xem là đối thủ đáng gườm và khó cạnh tranh là trang mạng xã hội Facebook. Nhà điều hành trang này đã bày tỏ tham vọng muốn biến Facebook thành kênh TMĐT mạnh nhất trên thế giới nhờ độ phủ rộng khắp thế giới khi có hơn 1 tỉ người dùng Facebook được kết nối với ít nhất một doanh nghiệp nước ngoài và hiện có 1,57 tỉ người truy cập Facebook hàng tháng qua di động.


“Chúng tôi biết rằng tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ chiếm 40% trong nền kinh tế nội địa, chính là nguồn lực lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo ra hơn 50% số lượng việc làm. Công nghệ, đặc biệt là thiết bị di động, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bằng việc kết nối họ với mọi người trên khắp thế giới. Toàn Đông Nam Á có hơn 265 triệu người sử dụng Facebook, tại Việt Nam là 40 triệu người và 38% trong số đó kết nối với ít nhất một doanh nghiệp ở nước ngoài. Chúng tôi cam kết sẽ giúp đỡ các DN nhỏ tận dụng sức mạnh di động để phát triển vươn tầm quốc tế và trở thành các doanh nghiệp toàn cầu,” ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ các thị trường mới nổi - Châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ.

Mạng xã hội Facebook cũng thể hiện tham vọng biến trang này thành kênh TMĐT chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, Facebook mong muốn hỗ trợ để góp phần đưa tất cả các DN lên tầm quốc tế cũng như đang không ngừng mang đến những tài nguyên và giải pháp mới để giúp họ mở rộng DN với quy mô toàn cầu, dù họ đến từ bất cứ nơi đâu. Theo đó, tính năng mới trong ‘Lookalike Audiences Tool’ (công cụ tìm kiếm khách hàng tương tự) được mở ra nhằm giúp DN nhỏ có thể tiếp cận các khách hàng đang sống và làm việc tại các quốc gia khác. 


Dù vậy, nhiều chuyên gia về lĩnh vực TMĐT cho biết, giai đoạn phía trước vẫn còn nhiều thử thách bởi lòng tin của người tiêu dùng vào TMĐT vẫn chưa nhiều. Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada, thừa nhận: “Rào cản mà các trang TMĐT cần phải vượt qua chính là củng cố lòng tin. Bởi hiện nay, người tiêu dùng vẫn e ngại trước việc mua hàng trên mạng liệu có đảm bảo về chất lượng sản phẩm, hàng thật hay hàng nhái và muốn xem hàng thật trước khi mua”. Còn theo ông Pieter Pennings, CEL Consulting, “cuộc chiến về giá cả và giao nhận hàng hóa TMĐT là một cuộc chiến khốc liệt với 85-95% giao dịch TMĐT được thanh toán theo hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng, điều này nâng cao rủi ro đối với các doanh nghiệp TMĐT thiếu năng lực quản lý hoặc không có những đối tác giao nhận có năng lực và kinh nghiệm về logistics TMĐT. Chính vì vậy, đã không ít các doanh nghiệp TMĐT nước ngoài trong việc đầu tư kinh doanh TMĐT tại Việt Nam nản lòng, đó cũng là lí do thị trường TMĐT Việt Nam cạnh tranh quyết liệt trên từng phân khúc và cũng rất phân mảnh với nhiều DN vừa và nhỏ, những hộ gia đình và cá nhân tham gia kinh doanh trực tuyến”.


Biến TMĐT thành cánh tay nối dài


Ngoài việc cạnh tranh trực tiếp với nhau, các DN TMĐT còn cạnh tranh gián tiếp đối với các DN bán lẻ hiện đại và truyền thống. Theo đó, không ít những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ đã quyết định triển khai một mô hình bán lẻ đa kênh (omni-channel) kết hợp hệ thống cửa hàng và TMĐT cho phép người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và mua hàng hóa theo cách mà họ cảm thấy tiện lợi nhất. Đặc điểm của mô hình này là giúp tối đa hóa khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là với những người tiêu dùng bị eo hẹp về quỹ thời gian khiến họ khó thực hiện những chuyến mua sắm tại cửa hàng một cách thường xuyên. Điển hình cho mô hình này ở Việt Nam hiện nay là BigC và C-Discount, hệ thống Thegioididong, FPT Shop...


Nhưng với những DN có tên tuổi trên thị trường bán lẻ, kênh phân phối online và offline hạn chế thì tìm hướng đi khác cho mình. Thay vì đầu tư thêm các cửa hàng phủ khắp các tỉnh thành, hay xây dựng một trang web TMĐT chuyên nghiệp để bán hàng, các DN này lại biến các thị trường TMĐT thành cánh tay nối dài cho mình. Đại diện Điện máy Chợ Lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Điều này không chỉ giúp công ty có thể mở rộng độ phủ cửa hàng trên toàn quốc nhờ kênh TMĐT, mà còn tiết kiệm một nguồn chi phí rất lớn trong việc thuê mặt bằng, nhân lực, chi phí vận hành website hay cửa hàng offline”.

Các DN có tên tuổi trên thị trường đã quyết định hợp tác với trang TMĐT Lazada để mở rộng độ phủ kênh bán hàng trên toàn quốc.

Hiểu được điều này, ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada cho hay sẽ thực hiện việc hợp tác với nhiều DN uy tín để đưa lên trang TMĐT của Lazada, một mặt vừa nâng uy tín của trang TMĐT lên tầm cao mới, thanh lọc những hàng giả, hàng nhái trên trang của mình, mặt khác Lazada mong muốn sẽ có thêm nhiều nguồn hàng chất lượng, thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng khi mua sắm online. “Điều này có nghĩa, những mặt hàng mà khách hàng đã mua offline tại cửa hàng đó, hoàn toàn có thể mua nó trên online. Bởi vì khách hàng không mua hàng từ Lazada, mà mua hàng từ họ qua hệ thống của chúng tôi. Lazada là người đồng hành, không phải đối thủ của một DN nào cả”, ông Alexandre Dardy chia sẻ.


Hiện nay, Lazada đã ký kết hợp tác chiến lược với 40 nhà bán lẻ lớn gồm nhiều thương hiệu tên tuổi trên thị trường, bao gồm các thương hiệu được nhiều người biết đến như: Điện máy Chợ Lớn, Trần Anh, Home Center, Kangaroo, Sơn Kim, Động Lực Sport, PNJ, Lock&Lock, Tuticare, Kid Plaza... Mối quan hệ hợp tác này nằm trong chuỗi chiến lược thâm nhập thị trường của Lazada hướng đến mục đích xây dựng lòng tin của khách hàng đối với hình thức mua sắm trực tuyến. Trước đó, một khảo sát được Lazada thực hiện vào tháng 3/2016 trên 486 khách hàng đã cho thấy, hơn 82% quan tâm đến chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến. Vì vậy việc thu hút các nhà bán hàng uy tín hợp tác và bán hàng trên sàn giao dịch của mình là một trong những cam kết về chất lượng mà Lazada mang lại cho khách hàng. Nỗ lực khác từ Lazada cũng đáng được đề cập là chính sách đổi trả hàng toàn quốc được triển khai trong tháng vừa qua.


Nhiều chuyên gia lĩnh vực TMĐT kỳ vọng, những cải tiến về việc giao nhận, chính sách đổi trả hàng hay xây dựng những DN bán hàng uy tín trên TMĐT hứa hẹn sẽ giúp thiết lập một quy chuẩn mới trong ngành TMĐT, giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào việc mua sắm trực tuyến. Một khi sự nghi ngờ dần mất đi thì cũng là lúc TMĐT trở nên thân thiện hơn với người tiêu dùng và sự bùng nổ thị trường TMĐT trong 5 năm tới là điều chắc chắn sẽ xảy ra.


Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN