Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Hà Nội

Ngày 22/3, Hà Nội tổ chức gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn để lắng nghe và giải đáp những khó khăn, vướng mắc, từ đó có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

 

Sớm giải quyết hàng tồn kho


Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, cho biết: Việc doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Ngay như vay vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương của thành phố với vốn vay ưu đãi, cũng cần tài sản thế chấp. “Nếu đòi hỏi doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải thế chấp tài sản thì thà đi vay ngân hàng còn hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn đang rất khó khăn về đầu ra, nhưng thành phố vẫn chưa có chương trình kích cầu tiêu dùng. Điều đó cho thấy kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối; giữa Hà Nội và các tỉnh còn chưa chặt chẽ. Đồng thời Hà Nội cũng chưa có chương trình xúc tiến thương mại trong nước. Trên thực tế, khó khăn của doanh nghiệp đã được Chính phủ quan tâm và có nhiều văn bản, chính sách, nhưng hiệu quả ít tới doanh nghiệp. Do đó đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội nên họp trực tiếp với doanh nghiệp 3 tháng một lần để có những giải pháp kịp thời”, ông Hiển nhấn mạnh.


Ông Trần Ánh Vương, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng đề xuất: Hà Nội cần sớm giải quyết nợ xấu. Trong đó, đáng chú ý là nợ đầu tư công. Đồng thời, việc hỗ trợ của Nhà nước cần theo ngành hàng mới đem lại hiệu quả. Thành phố Hà Nội cần sớm có những quy định về hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ về giá thuê đất. Đơn cử như giá thuê đất trước đây là 20 triệu đồng/ha tại ngoại thành Hà Nội nhưng với khung giá mới, giá thuê đất tăng vọt lên 800 triệu đồng/ha, tăng 40 lần. Sau đó, được giảm 50% thì giá thuê cũng là 400 triệu đồng/ha khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.


Về tình hình khó khăn trong sản xuất, ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty cổ phẩn chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu, cho rằng: Các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi rất khó khăn. Theo thống kê, trong năm qua đã có 44 doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi phá sản trên tổng số gần 400 doanh nghiệp. Một trong những lý do là lãi suất ngân hàng hiện vẫn cao. Cần giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10% ngay trong quý II này. Hà Nội nên có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm sạch và dự trữ; trong đó ưu tiên những doanh nghiệp có năng lực.


Liên quan đến giải quyết hàng tồn kho tại Hà Nội, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Hà Nội tập trung giải quyết hàng tồn tại lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng.

Quyết liệt chỉ đạo


Giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, cho biết: Hiện các ngân hàng trên địa bàn đã giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ về tối đa 15% cho hơn 68.000 khách hàng với dư nợ gần 150.000 tỷ đồng (tính đến 31/12/2012), miễn lãi nợ vay cho hàng ngàn khách hàng với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng; điều chỉnh, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho 7.437 khách hàng với dư nợ gần 88.000 tỷ đồng.


Liên quan đến chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hà Nội giảm từ bậc 36 xuống 51, ông Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn: “Việc hạ chỉ số này cho thấy các doanh nghiệp đang “chê” Hà Nội và các ngành, địa phương Hà Nội cần nhìn thẳng vấn đề để giải quyết. Một trong các biện pháp là đối thoại với nhau. Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp và sẽ họp 3 tháng/lần. Ban chỉ đạo sẽ mời cả lãnh đạo các hiệp hội, ngành nghề và sẽ tổ chức những phiên đối thoại chuyên sâu, thậm chí tập trung giải quyết những trường hợp cá biệt”. Điều đó cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.

ngân hàng vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức của doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng không được cho vay. Nếu doanh nghiệp nào đã đủ điều kiện vay nhưng không được ngân hàng đáp ứng, doanh nghiệp gửi trực tiếp kiến nghị lên lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội để giải quyết. Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cho biết: Trong năm 2013, Hà Nội dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương sẽ được nâng từ 30 tỷ đồng lên thành 80 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp và cơ quan hữu quan sẽ họp bàn để tìm cơ chế cho vay với các thủ tục đảm bảo nhưng vẫn bảo toàn nguồn vốn. Hà Nội tiếp trục triển khai kế hoạch bình ổn giá với nguồn vốn là 328 tỷ đồng cho 10 nhóm hàng thiết yếu, tổ chức 710 điểm bán hàng cố định và 1.500 điểm bán hàng qua đại lý. Với nguồn đầu tư công, năm 2013, Hà Nội sẽ triển khai 671 dự án với kinh phí 23.879 tỷ đồng. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ từ ngân sách 508 tỷ đồng hướng tới xây dựng hạ tầng nông thôn. Dự kiến, tổng số thuế, lệ phí được gia hạn thời gian chậm nộp và giảm năm 2013 sẽ là hơn 14,4 nghìn tỷ đồng.


Ông Nguyến Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Trong kinh doanh, vốn được coi là máu và doanh nghiệp là tế bào. Các ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cần ngồi lại với nhau để tìm ra cơ chế thích hợp. Với Hà Nội, một đặc trưng của hàng tồn kho là bất động sản. Hiện trên địa bàn có 5.789 căn hộ tồn đọng, thành phố sẽ xem xét đề nghị chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội, nhà tái định cư.


“Nhưng từ khi thành phố ra thông báo có chủ trương mua lại nhà thương mại để phục vụ công tác tái định cư nhưng chưa hề nhận được phản hồi nào của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết. “Việc mua những căn nhà này hoàn toàn theo giá thị trường và việc đền bù giải phóng mặt bằng Hà Nội cũng theo giá thị trường”.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN