Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2024 với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố đã chỉ rõ Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế số.
Theo báo cáo, bất chấp thách thức toàn cầu, nền kinh tế Đông Nam Á vẫn trụ vững, với tăng trưởng GDP ổn định và lạm phát hạ nhiệt. Nền kinh tế số đóng vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng này, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến đạt 263 tỷ USD trong năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của GMV và lợi nhuận đạt lần lượt 15% và 24%. Trong đó, GMV của Việt Nam ước đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, với tốc độ CAGR là 16%, chủ yếu nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.
Ông Andrea Campagnoli, đối tác từ Bain & Company nhận định: “Nền kinh tế số Việt Nam đang được thúc đẩy bởi hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, hứa hẹn trở thành một trung tâm công nghệ AI và đổi mới. Để khai thác hết tiềm năng của AI, doanh nghiệp cần kết nối sáng kiến này với mục tiêu kinh doanh, xây dựng giá trị hữu hình và mở rộng quy mô một cách bền vững”.
Thương mại điện tử đã trở thành trụ cột tăng trưởng chính cho kinh tế số của Việt Nam. Dự kiến năm 2024, GMV của thương mại điện tử sẽ đạt 22 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước. Một xu hướng nổi bật trong lĩnh vực này là mô hình video thương mại (video commerce), nơi sản phẩm được quảng bá và bán hàng qua video trực tuyến. Mặc dù tác động của video thương mại đến việc giữ chân khách hàng chưa hoàn toàn rõ ràng, mô hình này đã mang lại tiềm năng xây dựng lòng trung thành lâu dài với thương hiệu.
“Chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của kinh tế số Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là với tốc độ tăng trưởng hai con số, dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều bất ổn. Tuy nhiên, nhờ thương mại điện tử là động lực chính đã giúp nền kinh tế số Việt Nam duy trì đà tăng trưởng này. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng vì điều này sẽ tiếp tục đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực”, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành Google tại Việt Nam chia sẻ.
Cùng với thương mại điện tử, du lịch trực tuyến cũng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam, với mức tăng 16% và GMV đạt 5 tỷ USD trong năm 2024. Ngành du lịch trực tuyến tiếp tục tạo ra doanh thu từ hoa hồng trên mỗi chuyến bay và các kênh bán lẻ trực tiếp. Du khách từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm đến 52% tổng chi tiêu du lịch tại Việt Nam, minh chứng cho sức hấp dẫn của quốc gia này đối với khách quốc tế. Đặc biệt, chi tiêu của người Việt khi du lịch quốc tế tăng 290% từ năm 2020, với 58% chi tiêu dành cho mua sắm, cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của du lịch quốc tế và ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Năm 2024, lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng 14%, với GMV ước tính khoảng 6 tỷ USD, dự kiến sẽ chạm mốc 11 tỷ USD vào năm 2030. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong ngành phát triển game, với hệ sinh thái sáng tạo và đội ngũ nhà phát triển tài năng. Nền tảng vững chắc này đưa Việt Nam vào vị thế đặc biệt, trở thành một điểm nóng về sáng tạo và phát triển ứng dụng di động.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang mở ra những cơ hội mới cho kinh tế số Việt Nam. Các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng dẫn đầu về mức độ quan tâm và nhu cầu về AI, với các ngành giáo dục, tiếp thị và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực tìm kiếm nhiều nhất về công nghệ này. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng lộ trình phát triển kỹ thuật số đầy tham vọng, đặt trọng tâm vào AI và công nghệ bán dẫn để thúc đẩy kinh tế và nâng cao chất lượng các dịch vụ công.
Ông Fock Wai Hoong, Trưởng ban Đông Nam Á của Temasek chia sẻ: “Việt Nam sở hữu các yếu tố vững chắc như dân số trẻ, lực lượng lao động am hiểu công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động. Temasek cam kết hỗ trợ nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước này đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùm cho mọi thế hệ”.
Một xã hội không tiền mặt cũng đang dần hình thành tại Việt Nam, được thúc đẩy bởi các phương thức thanh toán kỹ thuật số như ví điện tử và mã QR. Chính phủ đã triển khai các sáng kiến tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và tăng cường khả năng tương tác, tạo nền tảng cho sự phát triển của các giao dịch không dùng tiền mặt.
Với tiềm năng từ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông số và AI, cùng với sự hỗ trợ từ các sáng kiến của Chính phủ và các công ty công nghệ lớn như Google và Temasek, nền kinh tế số Việt Nam đang tiến lên mạnh mẽ và hứa hẹn trở thành trụ cột của kinh tế Đông Nam Á trong tương lai.