Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ bán 475,1 triệu cổ phiếu trước Tết

Ngày 18/1, tại buổi công bố thông tin về lộ trình chào bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tổ chức ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết, đợt chào bán cổ phần VRG sẽ hoàn thành trước ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Do đó, các nhà đầu tư cần lưu ý để đảm bảo tuân thủ đúng quy chế đấu giá cũng như quyền lợi của mình.

Theo ông Hà Công Tuấn, hiện nay VRG đang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, với số vốn Nhà nước sau khi định giá lại để cổ phần hóa là khoảng 38.820 tỷ đồng. Với nền tảng đó, VRG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch hơn. Đồng thời, với cơ chế hoạt động linh hoạt hơn thì VRG sẽ nhận được sự góp sức của các cổ đông để triển khai các chiến lược phát triển bền vững.

Cụ thể, đợt chào bán cổ phần VRG sẽ được tổ chức cho các nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá tại điểm đăng ký là công ty chứng khoán làm đại lý đấu giá của HOSE, kể từ ngày 8 - 25/1/2018. Ngoài ra, dự kiến phiên chào bán đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 2/2/2018, với số lượng là 475,1 triệu cổ phiếu, tương đương 11,88% vốn điều lệ của VRG. Đồng thời, VRG cũng đưa ra giá khuyến nghị giá trị hợp lý của VRG ở mức 16.660 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG, cho hay tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng đã được phê duyệt và sẽ được triển khai bắt đầu từ ngày 19/1 - 29/3/2018. Song song đó, cuối tháng 3/2018 sẽ thực hiện tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Mặt khác, phương án cổ phần hóa VRG đã được phê duyệt, đòi hỏi phải cơ cấu sau cổ phần hóa với tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn đảm bảo chiếm tỷ lệ chi phối.

Báo cáo tại buổi công bố thông tin cho thấy, hiện tại VRG có 123 doanh nghiệp thành viên; trong đó ngành trồng và khai thác cao su thiên nhiên vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong quy mô của Tập đoàn. Tiếp theo có thể kể đến là các ngành như chế biến gỗ; gia tăng sản phẩm cao su tinh tế, sản phẩm công nghiệp cao su; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Trong năm 2017, VRG đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu như sản lượng cao su khai thác đạt 109% kế hoạch của năm; sản lượng gỗ (103%)... Tổng tài sản VRG đạt 73.000 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất khoảng 19.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3.600 tỷ đồng.

Đánh giá về triển vọng của năm 2018, ông Phạm Văn Thành, Thành viên Hội đồng thành viên VRG, cho rằng đây là một năm có nhiều tiềm năng phát triển; trong đó dự báo lĩnh vực kinh doanh chính là cao su tự nhiên sẽ đóng góp 63,2% tổng lợi nhuận trước thuế của VRG. Đặc biệt, VRG là một trong những Tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam trong ngành nông - công nghiệp, có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường.


Mỹ Phương (TTXVN)
Cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn Cao su: Tìm nhà đầu tư chiến lược trong nước
Cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn Cao su: Tìm nhà đầu tư chiến lược trong nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa, chuyển thành Công ty Cổ phần Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam với hình thức cổ phần hóa kết hợp bán phần vốn Nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN