“Người tiêu dùng không nên hoang mang vì chất lượng sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp và phân phối độc quyền tại Việt Nam. Cục An toàn thực phẩm đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm cho các lô sản phẩm này ngày 17/1/2012. Việc sản phẩm này bị cơ quan chức năng niêm phong và tạm giữ là do vi phạm về quy định ghi nhãn mác”, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định với Tin tức sáng 22/2.
Cơ quan Quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các sản phẩm sữa dê tại trụ sở Công ty TNHH Mạnh Cầm. |
Theo lý giải của ông Trần Quang Trung, sở dĩ sản phẩm sữa dê Danlait (khoảng 6.000 hộp sữa) của Công ty TNHH Mạnh Cầm bị niêm phong và tạm giữ là do Công ty này vi phạm quy định về ghi nhãn mác phụ. Về nguyên tắc, Cục An toàn thực phẩm chỉ cấp giấy chứng nhận sữa dê Danlait là “thực phẩm bổ sung” nhưng trên nhãn mác phụ bằng tiếng Việt trên các hộp sữa này chỉ ghi là sữa dê Danlait.
Đến thời điểm này, riêng mặt hàng sữa Dainlait trẻ em, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã nhập khẩu 40.380 hộp và đã bán 34.000 hộp, còn tồn kho khoảng 6.000 hộp. Giá bán sản phẩm này cho các cửa hàng kinh doanh là 350.000 đồng/hộp, còn giá đến tay người tiêu dùng từ 410.000 - 415.000 đồng/hộp (trong khi giá nhập khẩu chỉ khoảng 90.000 đồng/hộp).
“Sự nhập nhằng về nhãn mác này có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em. Hiện nay, theo tiêu chuẩn của Việt Nam, sản phẩm sữa dành cho trẻ em theo quy định của Việt Nam phải có độ đạm từ 34%, nhưng sản phẩm sữa này do Công ty Mạnh Cầm phân phối chỉ có độ đạm từ 13% - 17,5%. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định niêm phong và tạm giữ 6.000 hộp sữa của công ty này để mang đi dịch nhãn mác gốc và nhãn phụ trước khi đưa ra quyết định xử lý theo quy định”, ông Kiều Đình Cảnh, Phó đội trưởng Đội 12, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định.
Theo khảo sát của phóng viên Tin tức, do sữa dê Danlait xuất hiện tại thị trường Việt Nam chưa lâu, giá lại khá cao nên nhiều người tiêu dùng chưa nắm được thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn người dân đều rất bức xúc, cảm thấy bị lừa dối vì sự nhập nhằng về nhãn mác của sữa dê Danlait. Điều mà các bà mẹ lo lắng hơn, là liệu trên thị trường còn bao nhiêu sản phẩm sữa là “thực phẩm bổ sung” nhưng lại nhập nhằng nhãn mác là “sữa” tương tự sữa dê Danlait? Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi sử dụng những sản phẩm này hoàn toàn thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?
Chia sẻ với Tin tức về những lo ngại của người tiêu dùng, một chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng cho biết: “Hàm lượng các chất (đạm, béo…) trong sữa công thức sẽ khác với sữa là thực phẩm bổ sung. Do đó, với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu mẹ không đủ sữa cho trẻ bú thì cần sử dụng sữa công thức, chứ không được sử dụng thực phẩm bổ sung vì thành phần, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm bổ sung không thích hợp cho sự phát triển những năm tháng đầu đời của trẻ. Thực tế, trong thực phẩm bổ sung, tỷ lệ chất đạm, canxi có thể ít hơn nhưng chất béo và các vi chất khác thì có thể nhiều hơn so với sữa công thức. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi mà dùng thực phẩm bổ sung hoàn toàn thì sẽ không tốt”.
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: “Cục An toàn thực phẩm đã gửi công văn tới Đại sứ quán Pháp đề nghị xác minh một số thông tin liên quan đến nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm sữa dê Danlait”.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Đại sứ quán Pháp xác minh sản phẩm sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi, sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi và sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 12-36 tháng tuổi của Công ty TNHH Mạnh Cầm có phải do Công ty FIT của Cộng hòa Pháp sản xuất và sản phẩm này có được phép lưu hành trên thị trường Pháp không? Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị phía Đại sứ quán Pháp gửi kèm giấy chứng nhận lưu hành tự do và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ Pháp đối với mặt hàng này (nếu đúng sản phẩm xuất xứ từ Pháp và lưu hành trên thị trường Pháp).
“Chúng tôi sẽ phối hợp, tăng cường kiểm tra các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận “thực phẩm bổ sung” đang lưu hành trên thị trường; đồng thời sẽ thông tin ngay tới bạn đọc khi có thông tin mới từ Đại sứ quán Pháp về nguồn gốc sản phẩm sữa dê Danlait”, ông Trần Quang Trung khẳng định.
Phương Liên