Sẽ rút giấy phép cây xăng găm hàng

Chiều 13/8, đúng 13 ngày sau đợt điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng mạnh, trong đó tăng cao nhất là mặt hàng xăng với 1.100 đồng/lít. Các mặt hàng dầu tăng từ 500-800 đồng/lít hoặc kg.

Các doanh nghiệp như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội... đều có cùng mức và thời điểm áp dụng mức giá mới, kể từ 17g ngày 13-8.

Đây là lần tăng thứ ba liên tiếp trong khoảng ba tuần qua, với mức tăng tổng cộng 2.500 đồng/lít xăng. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại cùng với việc tăng giá điện trước đó, việc tăng giá xăng dầu, giá gas trong bối cảnh sức mua suy kiệt và hàng tồn kho ngày càng tăng sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp lún sâu vào khó khăn, người làm công ăn lương càng vất vả xoay xở với đồng lương ít ỏi.

Tại văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chiều qua, Bộ Tài chính cho rằng mức giá xăng dầu mà các doanh nghiệp đăng ký giá là phù hợp theo quy định hiện hành. Đồng thời cùng với việc giữ ổn định mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu là 300 đồng/lít-kg, Bộ Tài chính cũng cho phép các doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng A92 là 300 đồng/lít tính từ 17g ngày 13-8.

Trước đó, từ sáng 13/8, hàng chục lượt bạn đọc báo Tuổi Trẻ thông tin tình trạng cây xăng khắp các quận huyện Thủ Đức, Q.8, Q.12, Hóc Môn... tại TP.HCM không bán hàng. Tại trạm xăng dầu Ngọc Đến (140-142 Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh) treo bảng “hết xăng” từ sớm. Không treo bảng cảnh báo nhưng cây xăng khu vực ngã ba Trường Chinh, Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) của Công ty xây dựng Lũng Lô cũng ngưng bán từ sáng sớm với lý do “hết hàng”! Trong khi đó ngay phía đối diện, cây xăng Thanh Phúc của Công ty TM XNK Thanh Lễ - Thalexim vẫn hoạt động bình thường. Tại một số nơi như Đồng Nai, Đà Nẵng... cũng có cảnh tương tự.

Bảng giá xăng mới lúc 17g ngày 13-8 tại ngã tư Nguyễn Kiệm và Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM


Cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã kiểm tra hàng loạt điểm kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng. QLTT Q.Bình Thạnh, Q.12, Gò Vấp... đã lập biên bản ghi nhận tình trạng báo cáo về đơn vị xử lý. Qua kiểm tra tại cây xăng Ngọc Đến (Q.Bình Thạnh), đại diện đội QLTT Bình Thạnh cho biết cây xăng đã không còn hàng để bán từ chiều 12/8. Đơn vị kinh doanh đầu mối chưa cung ứng hàng về kịp. Tương tự, kiểm tra cây xăng Cát Tường (quốc lộ 1A, P.An Phú Đông, Q.12) đang treo bảng ngưng bán, đội QLTT 12B cũng phát hiện xăng trong bồn đã hết.


Theo Chi cục QLTT TP.HCM, hiện những trường hợp cây xăng đóng cửa ngưng bán, đơn vị đã lập biên bản ghi nhận và tiếp tục xác định nguyên nhân do cây xăng hay đơn vị cung cấp đầu mối sai phạm để xử lý. Tuy nhiên, một cán bộ QLTT cho biết đơn vị chủ yếu tiến hành rà roát, nhắc nhở vì nhiều cây xăng tìm cách hạn chế bán hàng rất khéo léo. Nhiều cây xăng không bán hàng nhưng không treo bảng, hoặc cây xăng có 4-5 trụ nhưng chỉ có 1-2 nhân viên bán hàng để hạn chế lượng xăng bán ra.

Sẽ rút giấy phép cây xăng găm hàng chờ tăng giá

Trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng nhiều cây xăng ở một số địa phương lại tiếp tục đóng cửa không bán hàng chờ tăng giá, ông Đào Minh Hải, cục phó Cục QLTT - Bộ Công thương, cho biết đã nhận được tin từ địa phương từ ngày 12/8, đồng thời đã có điện khẩn cho tất cả chi cục QLTT trên cả nước yêu cầu kiểm tra ngay cây xăng nào đóng cửa, giãn giờ bán không có lý do chính đáng, không đúng thời gian đã đăng ký... Theo ông Đào Minh Hải, cũng như các lần trước, cơ quan này sẽ xử lý nghiêm và công khai các cây xăng vi phạm, xem xét xử lý thích đáng, thậm chí có thể rút giấy phép kinh doanh các đơn vị cố tình đóng cửa để chờ tăng giá.



Theo Vietnamnet.vn

Trích 300 đồng/lít xăng cho quỹ bình ổn
Trích 300 đồng/lít xăng cho quỹ bình ổn

Ngày 13/8, Bộ Tài chính có thông báo 10870 /BTC-QLG gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về việc điều hành kinh doanh xăng dầu.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN