Samsung Việt Nam khởi động Chương trình Phát triển Nhà máy thông minh tại tỉnh Bắc Ninh năm 2024

Samsung Việt Nam và các đơn vị tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện biên bản ghi nhớ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh và khởi động chương trình hợp tác phát triển nhà máy thông minh năm 2024 dành cho các doanh nghiệp tại Bắc Ninh.

Chú thích ảnh
Bộ Công Thương, Samsung và các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hỗ trợ tư vấn cho các doạn nghiệp tại Bắc Ninh tham gia dự án phát triển nhà máy thông minh năm 2024.

Ngày 26/6/2024, Samsung Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ sơ kết sau 3 năm thực hiện biên bản ghi nhớ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, đồng thời khởi động chương trình hợp tác phát triển nhà máy thông minh năm 2024 dành cho các doanh nghiệp tại Bắc Ninh.

Tham dự chương trình, đại diện Bộ Công Thương có ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.

Về phía lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, có ông Đào Quang Khải, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Trần Thị Hằng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành của tỉnh.

Về phía Tổ hợp Samsung Việt Nam có ông Kim Tea Hoon– Phó Tổng giám đốc phụ trách trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam, ông Kim Yong Sup – Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Samsung Việt Nam.

Chương trình cũng có sự tham dự của đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp cùng đại diện 28 doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp.

Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh được bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2020 và dự kiến kéo dài từ 2020 đến 2025, bao gồm 2 nội dung chính: Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và Chương trình phát triển nhà cung ứng.

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng:

Chương trình tư vấn cải tiến triển khai từ 2020 – 2021 đã huy động được sự tham gia nhiệt tình của 07 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp Việt được tiếp cận với phương thức tổ chức sản xuất khoa học, được trực tiếp hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại hiện trường, được đào tạo cho cán bộ chủ chốt trong nhà máy về cách thức cải tiến, nâng cao chất lượng cũng như khả năng mở rộng sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và có nhiều cơ hội kết nối sâu hơn vào chuỗi các giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, chương trình phát triển nhà máy thông minh đã tiến hành tại 12 doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Sau cải tiến, phần lớn các doanh nghiệp tham gia đều chuyển từ mức độ 1 lên mức độ 2, mức độ 3 (trong thang 5 mức độ nhà máy thông minh của Samsung). Việc thu thập dữ liệu sản xuất đã được một phần chuyển từ thu thập cục bộ, cập nhật chậm theo ngày hay tuần sang việc quản lý liên tục, cập nhật theo thời gian thực, đảm bảo thông tin được thiết kế lại theo dòng và thông suốt giúp cho việc quản lý và ra quyết định chính xác và nhanh chóng hơn.

Samsung cũng nỗ lực thực hiện chương trình phát triển nhà cung ứng tại Bắc Ninh. Đến nay đã có 39 doanh nghiệp Việt bao gồm nhà cung ứng cấp 1, nhà cung ứng cấp 2, nhà cung ứng dịch vụ vật tư tiêu hao tại Bắc Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.

Chú thích ảnh
Ông Kim Tea Hoon - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, ông Kim Tea Hoon - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng Việt Nam cho biết: “Nhìn lại ý nghĩa của những thành quả hợp tác trong 3 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp ưu tú của tỉnh đã được nhận “kinh nghiệm 50 năm sản xuất” của Samsung thông qua các hoạt động tư vấn chuyên sâu và hệ thống. Bên cạnh đó, các chuyên gia tư vấn đã được bồi dưỡng, trang bị năng lực triển khai hoạt động cải tiến liên tục. Tôi cho rằng năng lực cạnh tranh này đã giúp nhiều doanh nghiệp mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với triết lý kinh doanh “Đồng thịnh vượng”, Samsung Việt Nam cam kết sẽ liên tục chuyển giao kinh nghiệm giúp doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh có năng lực cạnh tranh đạt tiêu chuẩn toàn cầu.”

Đại diện cho 1 trong số những doanh nghiệp đã tham gia dự án, ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Trần Thành, chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thu thập dữ liệu theo thời gian thực để phân tích, sử dụng và ra quyết định đã đem lại hiệu quả to lớn cho công ty chúng tôi. Ngoài những chi phí tài chính được cắt giảm ngay thì việc rút ngắn thời gian tác nghiệp ở các công đoạn kinh doanh, sản xuất và lưu kho cũng đem lại cho chúng tôi những giá trị lớn. Chương trình tư vấn của Samsung đã hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực quản lý, tăng năng suất/chất lượng và tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến của thế giới”.

Cũng tại sự kiện, Samsung Việt Nam tiếp tục khởi động chương trình hợp tác phát triển nhà máy thông minh năm 2024 dành cho các doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Chương trình sẽ được triển khai từ ngày 7/5/2024 đến ngày 9/8/2024, tại 5 doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, bao gồm: 3 doanh nghiệp tham gia dự án mới là Công ty Cổ phần Eco Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen, Công ty Cổ phần Innotek và 2 doanh nghiệp tham gia dự án mở rộng là Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty Cổ phần Tiến Thành.

Theo nội dung đã được ký kết với các doanh nghiệp này tại sự kiện, quy trình hỗ trợ của dự án bao gồm 3 hoạt động: Lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh và Quản lý về sau. Các chuyên gia Samsung sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Cuối cùng dựa trên kết quả tư vấn hiện trường, các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành và quản lý về sau như thúc đẩy doanh nghiệp tự tiếp tục triển khai hoạt động cải tiến, kiểm tra định kỳ mức độ cải tiến lĩnh vực sản xuất/ IT sau dự án.

Cùng với dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia tư vấn về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu từ năm 2021 đến nay.

Nhờ những chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 306 doanh nghiệp vào cuối năm 2023.

PV
Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung
Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung

Ngày 12/9, tại Đà Nẵng, Samsung Việt Nam,Cục Công nghiệp Bộ Công Thương và Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và Khu vực miền Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN