Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power để làm rõ hơn những kết quả đã đạt được và kế hoạch của PV Power thời gian tới đây.
Từ con số 0, sau 10 năm kể từ ngày thành lập (5/2007- 5/2017) PV Power đã đạt được những thành quả gì, thưa ông?
-Là công ty TNHH 1 thành viên được thành lập từ năm 2007, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 100% vốn điều lệ, nếu như trước đó, PVN chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp khí cho các đối tác bên ngoài thì đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn đã có PV POWER là Tổng Công ty điện lực chỉ đứng thứ hai sau Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Cho đến thời điểm hiện tại PV Power đã sản xuất để đưa lên lưới điện Quốc gia khoảng 138 tỷ kWh; doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 9.638 tỷ đồng và nộp ngân sách 8.835 tỷ đồng.
Ngoài những chỉ tiêu tài chính, theo tôi phần thành công lớn, đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước đó là PV Power hiện tại đã đóng góp khoảng 14% sản lượng điện Quốc gia với tổng công suất đặt khoảng 12%.
Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế xã hội của các địa phương, nơi có các nhà máy điện của PV Power đều có nhiều thay đổi tích cực bởi những đóng góp đáng kể cho ngân sách của các địa phương như Cà Mau, Đồng Nai; Quảng Ngãi; Nghệ An; Hà Tĩnh; Bắc Kạn...
Ngoài việc góp phần tăng thu ngân sách địa phương thì công tác an sinh xã hội, công tác sử dụng và đào tạo con em địa phương vào làm cán bộ, kỹ sư hoặc công nhân kỹ thuật cao… không những góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội, mà còn góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần. Đây là những giá trị mà nhiều khi không thể tính được bằng tiền.
Được biết, trong năm 2017 Chính phủ sẽ có phương án thoái vốn nhà nước tại PV Power. PV Power đã có những bước đi thế nào chuẩn bị cho việc này ?
-Trước mắt là năm 2017, chúng tôi sẽ phải hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp với mục tiêu giảm phần vốn của Nhà nước xuống còn 51% và thu hút vốn của các nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là các cổ đông lớn, chuyên nghiệp, có nguyện vọng song hành cùng PV Power trên bước đường phát triển.
Việc cổ phần hóa thành công PV Power không những tạo động lực cho các cải cách, đổi mới toàn diện phương thức quản lý… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị mà còn đem lại 1 khoản vốn lớn cho chủ sở hữu nhà nước.
PV Power đã, đang và sẽ làm gì để thực hiện việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)?
-Hiện, PV Power đang làm việc với 2 Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP.HCM để tìm hiểu các thủ tục và điều kiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Với quy mô IPO và thoái vốn lớn, để tăng sức hút cho PV Power, Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã chủ động tiếp xúc và làm việc với Quỹ Vinacapital, BNP Paribas, Standard Chartered Bank về cổ phần hóa PV Power và tìm kiếm cổ đông chiến lược. Đồng thời, tổng công ty cũng làm việc với JP Morgan, Maybank Kimeng tổ chức hội nghị giới thiệu, tìm kiếm cổ đông chiến lược…
PV Power hiện là nhà cung cấp điện lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau EVN, và đi đầu trong lĩnh vực sản xuất điện khí. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng mảng kinh doanh cốt nõi – điện khí và có kế hoạch như thế nào?
-Một điều khiến chúng tôi vui mừng, đó là trong Tổng sơ đồ điện VII, bắt đầu xuất hiện nhóm các nhà máy phát điện từ nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng LNG. Với chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn, trong thời gian tới, PV Power ngoài việc vận hành tốt và an toàn các nhà máy điện hiện hữu bao gồm cả điện khí, điện than và thủy điện thì hướng phát triển của chúng tôi sẽ tập trung mạnh vào điện khí.
Ngoài các nhà máy dùng nguồn khí đường ống hiện hữu từ các cụm Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ thì sắp tới chúng ta sẽ có nguồn khí từ Lô B và nguồn khí từ Mỏ Cá Voi Xanh. Ngoài ra, chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng phát triển 2 trung tâm điện sử dung khí LNG là Nhơn Trạch (3 và 4) và Sơn Mỹ (2.1, 2.2, 2.3). Việc phát triển này mang ý nghĩa hết sức to lớn, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ và cũng là xu thế chung của thời đại là phát triển ngành công nghiệp năng lượng Xanh, Sạch và Bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của chúng tôi cũng như báo cáo của các tổ chức tư vấn quốc tế, khi chúng ta có chính sách quyết liệt và đồng bộ từ cấp trung ương đến cấp doanh nghiệp, thì tôi rất tin tưởng việc chúng ta phổ cập LNG vào lĩnh vực phát điện đầu tiên và sau đó là vào nhiều lĩnh vực công nghiệp và tiêu dùng khác sẽ là hiện thực trong tương lai không xa và điều này sẽ góp phần thay đổi diện mạo và cơ cấu tiêu thụ nhiên liệu của quốc gia theo hướng tiên tiến. Cùng với đó, chúng ta còn giảm thiểu được rất nhiều chi phí khác liên quan đến chi phí sản xuất, môi trường, xử lý ô nhiễm, chăm sóc sức khỏe.
Với định hướng phát triển nêu trên, chúng tôi phấn đấu trong 10 năm tới tổng sản lượng điện phát của các nhà máy do PV Power sở hữu sẽ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện quốc gia.
Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng nằm trong chiến lược, các mối quan hệ song phương thông qua các dự án cụ thể cũng như đa phương thông qua các diễn đàn ngày càng nhiều và đem lại lợi ích thiết thực cho PV Power và các đối tác trong rất nhiều lĩnh vực như cải tạo nâng cấp nhà máy, cung ứng khí LNG, cung ứng than, các hợp tác về quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, …Trong tương lai, khi các nước ASEAN hình thành thị trường chung về mua bán điện thì chúng tôi sẽ chủ động hợp tác với các đối tác, với các quốc gia lân cận để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng chung.
Xin cảm ơn ông!