Cách đây 10 năm, Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau chính thức hoàn thành và đi vào khai thác. Phân bón Cà Mau - mắt xích cuối của cụm dự án cũng đã trưởng thành theo năm tháng, vững vàng vị thế dẫn đầu của ngành phân bón Việt Nam kể từ ngày thành lập (9/3/2011 - 9/3/2021). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau nói chung và Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng trở thành công trình quan trọng quốc gia với quy mô lớn và ý nghĩa chiến lược; đồng thời, giải quyết "cơn khát" phân bón của thị trường Tây Nam Bộ bằng cách tận dụng hiệu quả nguồn khí thiên nhiên, tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng.
Tính riêng năm 2020, PVCFC đã phát huy sức mạnh truyền thống, đạt lợi nhuận trước thuế 716,93 tỷ đồng, tăng 41% so với kế hoạch 2020 và tăng 56% so với năm 2019. PVCFC nộp ngân sách Nhà nước đúng hạn, hoàn thành trách nhiệm doanh nghiệp.
Sau 10 năm đưa vào khai thác, sử dụng Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã thu hút và phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, xây lắp, cung ứng nguyên vật liệu; đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho hàng nghìn lao động.
Đến tháng 2 năm 2021, toàn Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau ghi nhận tổng doanh thu gần 245.000 tỷ đồng, nộp ngân sách cho tỉnh Cà Mau lên đến gần 16.500 tỷ đồng, trở thành nguồn thu ngân sách lớn nhất của tỉnh. Riêng PVCFC đã tổ chức kinh doanh và vận hành tốt nhà máy Đạm Cà Mau.
Ban lãnh đạo cùng đội ngũ cán bộ, công nhân viên PVCFC đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu; doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay tổng doanh thu đạt 56.954 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.024 tỷ đồng, đời sống người lao động được đảm bảo; sản phẩm sản xuất urê quy đổi đạt 7,31 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ urê quy đổi đạt 7,31 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu đạt 1,02 triệu tấn; khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực phân bón...
Phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập PVCFC, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Quân biểu dương những kết quả mà các doanh nghiệp trong cụm đã đạt được trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh, cũng như hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, sự phát triển của tập đoàn và các đơn vị thành viên; trong đó, có sự trưởng thành, lớn mạnh của các doanh nghiệp trong Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.
Do vậy, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư những dự án mang tính chiến lược từ khí, điện để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn… khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm; tạo điều kiện cho Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau trở thành trung tâm công nghiệp dầu khí hàng đầu của cả nước, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Nhân sự kiện này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng cam kết toàn công ty sẽ phát huy tốt bản lĩnh, kinh nghiệm trong một thập kỷ qua, cùng với tinh thần lao động nhiệt huyết, sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, giữ vững vị thế thương hiệu dẫn đầu ngành phân bón, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh phấn khởi chia sẻ, việc PVCFC chính thức mở rộng tên thương hiệu từ ‘‘Đạm Cà Mau’’ sang ‘‘Phân bón Cà Mau’’ sau gần 10 năm phát triển, cùng với việc chuẩn bị đưa vào vận hành thương mại Xưởng NPK Cà Mau công nghệ hiện đại và sản phẩm hữu cơ vi sinh đã khẳng định bước chuyển mình đột phá của doanh nghiệp, giúp vươn tới những tầm nhìn và giá trị mới, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp giải pháp toàn diện cho cây trồng.
Đồng thời, lãnh đạo công ty cam kết sẽ tiếp tục lãnh đạo vận hành Nhà máy an toàn, hiệu quả trong thời gian tới, năng động trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để tiếp tục hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021 và các năm tiếp theo; đồng thời tiếp tục đầu tư và tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.