Gần 300 con đà điểu cao lênh khênh, mỗi con nặng hơn 1 tạ rải bước trên khu đất rộng 11 ha tại khu Tử Lan, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương). Đó là hình ảnh điển hình tại trang trại của chị Nguyễn Thị Bình, một nữ doanh nhân đã quyết tâm biến vùng đất thung lũng đá vôi, cỏ dại mọc um tùm thành một trang trại chăn nuôi đà điểu lớn của miền Bắc nhằm sản xuất con giống và thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương (ngoài cùng bên phải) kiểm tra trứng đà điểu trong trang trại của chị Nguyễn Thị Bình. |
Năm 1995, chị Nguyễn Thị Bình bắt đầu công việc đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng, sau đó thành lập doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Đến tháng 7/2008, chị Bình triển khai dự án "Bình Minh xanh thân thiện nhà nông, trung tâm sản xuất giống và chuyển giao chăn nuôi đà điểu châu Phi Ostrich" với mục tiêu xây dựng đồng bộ khu chăn nuôi đà điểu giống, đà điểu thương phẩm; xây dựng kho dự trữ thức ăn, vật tư nguyên liệu chăn nuôi; chuyển giao công nghệ chăn nuôi đà điểu và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Những ngày đầu triển khai dự án, chị Bình gặp vô vàn khó khăn, nhất là việc vay vốn. Không nản, chị huy động vốn từ anh em trong gia đình, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng trại và nhập đà điểu giống về nuôi. Để tiết kiệm, gia đình chị tự đóng gạch xây bao quanh trang trại. Đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng trang trại của chị đã lên đến hàng chục tỷ đồng.
Để chăm sóc sức khỏe cho đà điểu, trang trại có 2 cán bộ thú y chuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đà điểu. Khẩu phần ăn cho đà điểu nuôi lấy thịt tăng theo tháng tuổi và trọng lượng cơ thể. Máng ăn, uống cho đà điểu có kích thước phù hợp, ở độ cao 0,7 - 0,8 m để đà điểu không giẫm đạp lên và ăn uống dễ dàng.
Từ khi xây dựng đến nay, trang trại của chị đã nuôi khoảng 600 con đà điểu. Hiện tại, số đà điểu đang nuôi trong trang trại là gần 300 con, với trọng lượng 70 - 150 kg/con cùng hàng chục con đà điểu con từ 1 tuần đến 3 tháng tuổi. Trại đã có thịt và trứng đà điểu bán thường xuyên cho khách hàng. Mỗi con đà điểu cái đẻ từ 35 đến 40 quả trứng/năm. Quả bé nhất khoảng 0,8 kg, quả lớn 1,8 kg. Giá hiện tại trung bình là 150 nghìn đồng/quả (trứng thịt) và 470 nghìn đồng/quả (có phôi) để ấp nở. Mỗi con đà điểu con 3 tháng tuổi được bán với giá 2,7 triệu đồng; đà điểu hậu bị giá 14 triệu đồng; đà điểu giống khoảng 30 triệu đồng/con. Để ấp trứng đà điểu, chị Bình còn nhập máy ấp của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương và 2 máy của Trung Quốc. Trang trại của chị hiện giải quyết cho 17 lao động, với mức lương khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Chị dự kiến sẽ mở rộng liên doanh, liên kết với các hộ nông dân, tận dụng các diện tích đất sẵn có để mở rộng diện tích chăn nuôi; khi có điều kiện nuôi thêm cá sấu và làm mô hình khu du lịch sinh thái, thu hút du khách đến tham quan.
Đánh giá về mô hình chăn nuôi đà điểu, ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho rằng: Thành công ở trang trại chăn nuôi đà điểu của chị Bình là một hướng làm giàu vững chắc đối với những cá nhân đang muốn phát triển kinh tế trang trại hàng hóa. Bởi thịt, trứng đà điểu đang là món ăn đặc sản có giá cao tại các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn. Nếu có đủ nguồn hàng thịt đà điểu để xuất khẩu thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, ngay cả da, xương, lông, vỏ trứng của đà điểu đều có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ.
Trần Tiến Duẩn