Bình Phước hiện có 195 doanh nghiệp và 119 cơ sở sản xuất chế biến điều. Trong đó có 31 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện các nhà máy chế biến và xuất khẩu điều ở Bình Phước hoạt động không đạt đến 50% công suất.
Trong đó, khoảng 30% nhà máy đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, hoạt động kém hiệu quả và có nguy cơ đóng cửa. Máy móc thiết bị chế biến điều của nhiều doanh nghiệp là máy móc cũ, công nghệ lạc hậu hoặc đa số chế biến thủ công. Hiện chỉ có khoảng 40% số doanh nghiệp chế biến điều trong tỉnh hoạt động có hiệu quả nhờ có năng lực quản lý tốt, tập trung đầu tư các trang thiết bị hiện đại nên đã giảm được lượng nguyên liệu tiêu hao, giảm giá thành, tăng năng suất... Bên cạnh đó thì việc “đói” vốn cũng là một vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp đang lâm vào khủng hoảng như hiện nay.
Nghịch lý là nguồn điều trên thị trường đang bị thiếu hụt trầm trọng nhưng giá điều lại liên tục giảm. Mất mùa, mất giá đã làm cho người nông dân không muốn tiếp tục gắn bó với cây điều.
Theo ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người nông dân trong tình trạng hiện nay cần phải có một giải pháp tổng thể, có chính sách hợp lý về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu.
Đậu Tất Thành