Theo đó, ghi nhận nhiều nội dung mà các hiệp hội cần tập trung cải thiện để đáp ứng nhu cầu và sự mong đợi của doanh nghiệp. Cụ thể, một số doanh nghiệp nhìn nhận, theo chức năng, nhiệm vụ của phần lớn hiệp hội thì năng lực tham gia ý kiến và đề xuất xây dựng chính sách pháp luật của các hiệp hội được đánh giá còn nhiều tồn tại. Tiếp đến là hạn chế trong liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội với các doanh nghiệp; đóng góp của hiệp hội trong nỗ lực chung để phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và kinh tế đất nước....
Khắc phục những hạn chế và tồn tại, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp trong nghiên cứu, đề xuất, phản biện và tham mưu chính sách cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở từng lĩnh vực chuyên ngành hoặc địa phương. Đồng thời, tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho các hiệp hội trong lĩnh vực này. Hàng năm, VCCI sẽ tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước để trao đổi, thảo luận về sự hợp tác, liên kết giữa các hiệp hội và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên và thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và phát triển đất nước.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân chia sẻ, các hiệp hội doanh nghiệp mong muốn được phát huy vai trò để hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho các doanh nghiệp và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Các hiệp hội mong muốn Nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, giao cho các hiệp hội doanh nghiệp những nhiệm vụ, dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật tạo điều kiện để các hiệp hội doanh nghiệp đủ năng lực tham gia cung cấp các dịch vụ công. Qua đó, giảm được áp lực về kinh phí và nhân lực, nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp và phù hợp với chương trình cải cách hành chính đang được triển khai thực hiện.