Ông Trần Nhất Minh cho biết, trước đây, khi công nghệ chưa được ứng dụng mạnh trong hệ thống ngân hàng, dịch vụ bán lẻ của các ngân hàng rất thấp. Trong khi đó, đội ngũ làm việc của ngân hàng cũng tốn rất nhiều công sức và chi phí, thời gian để thực hiện các khoản đếm, chuyển đổi tiền từ khách hàng này sang khách hàng khác, từ nơi này sang nơi khác…
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Việt Nam, chia sẻ về ba làn sóng công nghệ đang tác động vào hệ thống ngân hàng. |
Từ khi áp dụng công nghệ, dịch vụ bán lẻ và giá trị gia tăng của ngân hàng ngày càng phát triển. Cụ thể, tại ngân hàng VIB, hiện khách hàng trải nghiệm trên mobile banking chiếm đến 87%, tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, 93% trong số này đều dưới 40 tuổi tham gia trải nghiệm dịch vụ mobile banking, trong đó có 20% là nhân viên văn phòng và 70% là khách hàng kinh doanh độc lập.
“Vì thế, những ý kiến của khách hàng dưới 40 tuổi về ứng dụng công nghệ trong dịch vụ hay gia tăng giá trị dịch vụ trong hệ thống ngân hàng bán lẻ hiện đại luôn được ngân hàng chú ý lắng nghe và cải thiện. Đó cũng chính là lý do giúp người dùng trải nghiệm dịch vụ tại VIB trong năm 2017 tăng gần gấp đôi so với năm 2016”, ông Minh chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Việt Nam, cho hay có ba làn sóng công nghệ đang tác động đến các ngân hàng hiện nay: Thứ nhất là ngân hàng có mobile banking, thứ 2 là ngân hàng đang sử dụng kỹ thuật số (digital) tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng và thứ 3 là tập hợp tất cả các dữ liệu để phân tích và thực hiện các nhu cầu cho vay.
Tuy nhiên, theo bà Dương, các ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung mới dừng ở làn sóng thứ 2, còn làn sóng thứ 3 các nước trên thế giới đang bắt đầu thử nghiệm theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, để theo kịp xu hướng này, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chuyển mình.
Trên thực tế, việc áp dụng chuyển đổi dữ liệu số không chỉ áp dụng trong các ngân hàng mà còn áp dụng rất nhiều các ngành nghề khác như công nghiệp, nông nghiệp… Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công nghệ thông tin Tập đoàn Thành Thành Công, ví dụ với ngành nông nghiệp là mía đường, trước đây nếu không áp dụng công nghệ thì sản lượng mía, chất lượng chữ đường mía và việc thu hoạch, bán mía… cho nhà máy không đem lại hiệu quả cao, mất nhiều công sức, chi phí và thời gian. Thế nhưng, từ khi kỹ thuật số được áp dụng, cả ba nhà là nông dân – nhà máy – nhà nước đều cảm thấy nhẹ nhàng, nhanh chóng và thuận tiện trong việc minh bạch thông tin, đem lại năng suất cao và lợi nhuận cao.
Trước tầm quan trọng của chuyển đổi dữ liệu số, sự kiện CMC SISG Connection Day 2017 mong muốn các doanh nghiệp có lời giải cho bài toán “Khai thác, sử dụng và quản lý dữ liệu như thế nào cho hiệu quả và thông minh”.
Theo bà Trần Thị Phương Hồng, Phó TGĐ Kinh doanh CMC SISG với sự gia tăng không ngừng của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dự liệu lớn hay điện toán đám mây trong thời gian qua đã mở ra kỹ nguyên bùng nổ về khối lượng dữ liệu và tạo ra nhiều thách thức cho mô hình quản lý và điều hành công nghệ thông tin.
Thế nhưng, hiện vẫn không ít doanh nghiệp đối mặt với vô vàn khó khăn cũng như tìm lời giải pháp trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại sang mô hình kinh doanh mới bắt nguồn từ một nền tảng khám phá và sử dụng dữ liệu hiệu quả.
Chính vì vậy CMC SISG Connection Day 2017 sẽ là ngày hội kết nối cho các doanh nghiệp với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Cisco, McAfee, Mi2, HPI-Intel, HPE, TrendMicro, Infosys, Genesys, VMware, Dell EMC, PaloAlto, Eaton, Brother, Checkpoint. Đã có trên 400 doanh nghiệp tham dự ngày hội này.