Huân chương Sao Vàng tặng các thế hệ công nhân cao su

Dấu mốc lịch sử anh hùng của ngành cao su Việt Nam được tính từ đêm 28/10/1929 tại làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng, nơi đồng chí Ngô Gia Tự chỉ đạo thành lập chi bộ cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Bí thư.

Hơn 80 năm qua kể từ mốc son lịch sử đó, công nhân cao su Việt Nam (VRG) đã cùng dân tộc trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ là chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Công nhân cao su trước khi có Đảng đã có những tổ chức như hội Tương tế vận động đấu tranh tự phát lẻ tẻ nên dễ bị dìm trong biển máu.

Chế biến mủ cao su tại Nhà máy của Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Sau ngày chi bộ cộng sản Đảng ở đồn điền cao su Phú Riềng được thành lập, các nghiệp đoàn - công hội đã ra đời để đấu tranh đòi quyền dân sinh - dân chủ, đánh dấu bước trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và phong trào công nhân cao su nói riêng. Sự chuyển biến về chất trong phong trào đấu tranh của công nhân cao su mà đỉnh cao là cuộc biểu tình của hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đòi quyền dân sinh - dân chủ và giết chết chủ Tây không những có tiếng vang trong nước mà còn gây sự kiện xôn xao trên thế giới, làm cho giới chủ Tây phải khiếp sợ, từng bước nhượng bộ và đi đến chấp thuận các yêu sách của người lao động. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền cao su có những bước tiến dài trên con đường đấu tranh giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc.

Trong 2 cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các đồn điền cao su vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến cung cấp sức người, sức của, vừa nuôi dưỡng, che giấu cán bộ.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng cục Cao su được thành lập thuộc Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và sau đó thuộc Bộ Nông nghiệp. Ngay từ những ngày đầu tiên sau giải phóng ngành cao su đã nhanh chóng tiếp quản các đồn điền cao su gồm: vườn cây, nhà máy, công sở, xe cộ… có nơi ta tiếp quản 100% không mất bất kỳ một cơ sở vật chất nào kể cả hồ sơ, giấy tờ như các đồn điền cao su nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khôi phục lại vườn cây bị chiến tranh tàn phá và các nhà máy sơ chế mủ cao su vừa cũ kỹ, vừa lạc hậu có nhiều nơi bị công nhân tháo gỡ đưa vào vùng chiến khu nay mang về lắp ráp lại.

Tiếp nhận hàng ngàn lao động do chiến tranh tản mát khắp mọi nơi tụ về, nhất là những người lao động có tay nghề cao. Tổ chức rà phá hàng trăm ngàn tấn bom mìn do chiến tranh để lại, hy sinh hàng chục người để giải phóng đất đai phát triển diện tích cao su, tổ chức lại sản xuất. Lực lượng lao động chủ yếu của ngành cao su lúc này phần lớn là dân kháng chiến; ngoài ra còn dân nghèo thành thị, dân ở những vùng tản cư ở nông thôn, có cuộc sống không ổn định, ý thức giác ngộ chính trị thấp. Nhưng với tinh thần chủ động, ngành cao su đã sử dụng tốt và đạt hiệu quả cao vốn liếng và trang thiết bị của Liên Xô và một số nước XHCN khác như Tiệp Khắc, Bungari để phát triển diện tích cao su, hoàn thành hiệp định I với Liên Xô phát triển 50.000 ha cao su ở miền Đông Nam bộ. Đồng thời thành lập 7 đơn vị trực thuộc lên vùng Tây Nguyên.

Năm1995 khi chuyển sang mô hình Tổng Công ty 91 và tháng 10/2006 đến nay hoạt động theo mô hình Tập đoàn, VRG trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, đa chủng loại sản phẩm và đa quyền sở hữu, phát triển cao su đại điền, tiểu điền, liên doanh hợp tác, đầu tư cổ phần... Ngoài ra, VRG còn liên doanh - liên kết kinh doanh trên các lĩnh vực: xi măng, sắt thép, thủy điện, khu công nghiệp, cầu - đường, khách sạn - du lịch… bước đầu đạt hiệu quả tốt.

Riêng về lĩnh vực cao su, trước đây chỉ kinh doanh độc nhất mặt hàng mủ cao su, nay kinh doanh thêm mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu, hằng năm mang về hàng trăm ngàn USD. Riêng mủ cao su trước đây chủ lực là chủng loại 5L (giá thành cao, khó bán, lợi nhuận thấp). Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, đầu tư cải tạo lại trang thiết bị máy móc, sản xuất ra hàng chục chủng loại như mủ CV 50, CV 60, SVR 20, RSS (mủ tờ xông khói)… Đặc biệt là loại mủ cao cấp ly tâm (latex) được khách hàng ưa chuộng, sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Đặc biệt, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, năng suất bình quân vườn cây khai thác trước đây rất thấp chỉ đạt 1,1 đến 1,2 tấn/ha, đến nay năng suất bình quân đạt 1,9 tấn/ha.

Đồng thời để tận dụng nguồn lực đất đai và nhân lực, VRG đã phát triển cây cao su ra nhiều vùng, miền trên cả nước. Tại vùng Tây Bắc lần đầu tiên đã có 4 đơn vị đã trồng được 9.578 ha cao su. Cây cao su phát triển ở vùng Tây Bắc không những tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc ít người, mà còn góp phần thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng nông thôn, rừng núi. Đồng thời VRG còn đề xuất với Nhà nước phát triển cao su sang hai nước bạn Lào và Campuchia. Các Hiệp định phát triển cây cao su giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia đã được ký kết và có hiệu lực. Đến nay tại Lào, VRG đã thành lập 3 đơn vị và đã trồng được 21.659 ha cao su. Tại Campuchia đã thành lập 6 đơn vị và trồng được 10.345 ha cao su. Dự kiến tại Lào sẽ trồng 50.000 ha cao su, tại Campuchia sẽ trồng 100.000 ha cao su.

Để VRG phát triển bền vững, hiện nay Tập đoàn đang tập trung tái cấu trúc ngành nghề. Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG, nội dung tái cấu trúc trước nhất là tái cấu trúc ngành nghề. VRG xác định 3 ngành nghề chính từ trước đến nay là trồng, khai thác cao su; công nghiệp cao su và chế biến gỗ. Đề án cũng sẽ trình Chính phủ cho phép bổ sung ngành đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp là ngành chính. Về lĩnh vực trồng, khai thác cao su, quy hoạch diện tích cao su của VRG đến năm 2015 là 500.000 ha với chi tiết quy hoạch tại từng vùng, miền. Cơ chế thực hiện là tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su; thực hiện liên kết với người dân trồng cao su theo phương án người dân góp đất, ăn chia sản phẩm hoặc trở thành cổ đông, hưởng cổ tức; trình Chính phủ cơ chế sang nhượng.

Năm 2011, VRG đã khai thác 269.953 tấn mủ, với năng suất bình quân đạt 1,635 tấn/ha. Trong đó, có 5 công ty là Đồng Phú, Phú Riềng, Phước Hòa, Tây Ninh và Tân Biên đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha và 34 nông trường đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha. Công ty đạt năng suất cao nhất năm 2011 là: Đồng Phú (2,175 tấn/ha), Tây Ninh (2,101tấn/ha); hiện VRG có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 433.000 tấn/năm. Trong năm 2011, VRG đã chế biến 311.343 tấn mủ cao su các loại, trong đó chế biến mủ thu mua của các hộ cao su tiểu điền là 39.720 tấn, nộp ngân sách Nhà nước 3.571,9 tỷ đồng.

Đối với ngành công nghiệp cao su, mục tiêu đạt được đến năm 2015 là mua cổ phần của một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su trong nước, tiếp tục liên doanh sản xuất chỉ thun bên cạnh sản phẩm bóng thể thao hiện tại. Sau năm 2015 sẽ liên doanh sản xuất vỏ ruột xe. Tổng Giám đốc Trần Ngọc Thuận cho rằng, sản phẩm công nghiệp cao su là sản phẩm định vị của quốc gia, nên đề nghị Chính phủ chủ trì việc này, bởi từ trước đến nay việc sản xuất vỏ ruột xe thuộc về các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất.
Ngành sản xuất gỗ phải xác định được tổng công suất chế biến từ nay đến năm 2015 và định hướng sau 2015. Ngành phát triển khu công nghiệp chỉ định hướng phát triển đến mức độ hợp lý theo khả năng. Đối với các ngành khác thì triệt để thoái vốn, đặc biệt lĩnh vực tài chính ngân hàng thoái vốn 100% ngay trong giai đoạn 2012 -2013, các dự án đang đầu tư dở dang thì tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh xong rồi thoái vốn, định hướng thoái vốn ở mức độ một số ngành như tư vấn đầu tư, xây dựng, đường giao thông BOT…

Nhìn lại hơn 80 năm, kể từ ngày giai cấp công nhân cao su bước lên con đường tranh đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành cao su Việt Nam đã có một tập đoàn công nghiệp cao su là đơn vị kinh doanh đa ngành nghề, đa chủng loại sản phẩm (ngoài mặt hàng cao su còn liên doanh - liên kết kinh doanh các mặt hàng: thủy điện, xi măng, sắt thép, khách sạn - du lịch, khu công nghiệp, cầu đường, sân bay…). Trong quá trình phát triển của mình, VRG đã góp phần làm thay đổi nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thay đổi nhiều thế hệ con người thoát kiếp lầm than, tôi tớ vươn lên làm chủ cuộc đời và làm chủ xã hội. Đóng góp của các thế hệ công nhân cao su với đất nước trong mọi thời kỳ là vô cùng to lớn. Cả nước tri ân các thế hệ công nhân cao su tiền bối và chúc mừng những người công nhân cao su nhân dịp ngành cao su Việt Nam đón nhận Huân chương Sao Vàng.

Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN