Các chuyên gia kinh tế đã đề xuất “kế hay” về các giải pháp để minh bạch thị trường vàng.
Bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Doji nêu ý kiến: NHNN nên đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi các thương hiệu vàng phi SJC để giảm bớt áp lực cung. Vì hiện nguồn lực vàng từ các thương hiệu này còn khá lớn trong khi người dân khá thờ ơ dù giá khá "mềm" so với vàng SJC. "Giải pháp này có thể coi là mũi tên trúng hai đích vừa giảm áp lực nguồn cung, vừa tránh lãng phí. Khi cung dư thừa, không có lý gì khoảng cách giá vàng không thu hẹp lại", bà My nói.
(Nguồn: Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại) |
Chính phủ cũng cần nâng cao vai trò giám sát, phát triển thị trường vàng trong nước minh bạch thông qua liên thông với thị trường thế giới. Qua đó, mới có thể huy động được vốn vàng trong dân nhằm bảo đảm tính ổn định. “Có thể thấy, câu chuyện huy động vàng đã bộc lộ nhiều điểm yếu của Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng miếng, chủ yếu do chưa lường được hậu quả mà chính sách đưa ra. Cụ thể: Chưa tính đầy đủ hết chi phí gia công vàng, thời gian chuyển đổi vàng... và thời điểm siết chặt huy động vàng...” - ông Võ Trí Thành chia sẻ.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định: “Nhà nước không nên quản lý vàng miếng như hiện nay, biến độc quyền vàng nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Cần có sự cạnh tranh trong vấn đề sản xuất, quản lý vàng miếng. Cụ thể, Chính phủ nên mở phân xưởng đúc vàng khác, không cần phải nhờ đến Công ty SJC”.
Đồng tình quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính - TS. Vũ Đình Ánh đề xuất, Chính phủ cần mở rộng diện nộp thuế xuất nhập khẩu vàng cùng với tự do xuất nhập khẩu vàng. Cụ thể, NHNN trực tiếp làm đầu mối nhập vàng nguyên liệu thay vì giao quota cho một vài đầu mối nhập khẩu vàng như hiện nay. Thứ hai, NHNN nên thống nhất đúc vàng tiền tệ tương tự như độc quyền in tiền để vừa đảm bảo đúng chất lượng của vàng tiền tệ, vừa phục vụ mục tiêu quản lý thống nhất, tránh tình trạng có nhiều loại vàng tiền tệ cùng tồn tại trên thị trường như hiện nay.
Thứ ba, mọi người dân được quyền sở hữu, tích trữ, mua bán, thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến vàng trên thị trường vàng trong nước, do NHNN tổ chức và quản lý tương tự như đối với VND. Không nên hạn chế hay cấm các NHTM huy động, cho vay vàng bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội. Thứ tư, thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia đi đôi với tái lập hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, đồng thời từng bước phát triển các sản phẩm phát sinh trên thị trường vàng.
Ông Lương Văn Tự - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, cần xây dựng niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam, không lấy vàng làm nơi trú ẩn, đồng thời phải có cơ chế chính sách để dân tin họ gửi vàng vào ngân hàng là an toàn và khi họ cần chi tiêu thì có thể rút ra thuận lợi. Vì là kênh đầu tư nên dân gửi vàng phải có lãi 1 - 2%. Tương tự, ông Nguyễn Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị: Người dân gửi vàng phải có chứng chỉ vàng. Khi đến kì hạn, người dân được rút vàng về. Tuy nhiên, NHNN phải tạo lòng tin về thanh khoản vàng của ngân hàng, đảm bảo tính tách bạch giữa vàng huy động và chứng chỉ. Tuy nhiên, cần khuyến khích người dân gửi vàng lâu dài để Chính phủ có thể sử dụng hiệu quả nguồn ngoại tệ thu về.
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Đại Lai, NHNN chỉ quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng thỏi chuẩn quốc gia (đóng logo SBV), đồng thời là chuẩn quốc tế. Tất cả các loại vàng còn lại, kể cả vàng với tư cách là ngoại hối thông thường lẫn vàng là hàng hóa mỹ nghệ, trang sức trên thị trường đều được tự do trao đổi, mua bán, bao gồm cả tự do nhập và tự do có điều kiện khi xuất khẩu. Việc đo đếm giá trị và giá cả vàng phải căn cứ vào tuổi vàng, xóa bỏ mọi kỳ thị với các loại vàng phi dự trữ ngoại hối nhà nước.
Theo đó xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng và tôn trọng quy luật thị trường, đồng thời mở rộng diện phải nộp thuế xuất khẩu - nhập khẩu vàng tỷ lệ với tất cả các loại tuổi vàng. Thêm vào đó, cần kiên quyết chống vàng hóa phương tiện thanh toán (hoàn thiện Nghị định 24), không hạn chế đối tượng kinh doanh vàng, nhưng không chấp nhận bất kỳ loại vàng thỏi chuẩn nào được phép bán trên thị trường.