‘Hiến kế’ cho việc bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay

Những ý kiến đáng chú ý tại buổi Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do báo Đầu tư tổ chức sáng 8/9/2022, tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 80 khách mời đến từ các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và hiệp hội quốc tế.

Chú thích ảnh

TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những biến động giá dầu trong nước và thế giới trong thời gian gần đây? Nhận định của ông về triển vọng giá dầu từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung?

Giá dầu biến động phức tạp trong năm 2022. Sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra, giá dầu tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng đột biến khoảng 60% và đạt đỉnh của 14 năm vào tháng 3/2022, có thời điểm vượt mốc 120 USD/thùng. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá tất cả các loại năng lượng leo thang, kéo theo lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất.

Mặc dù vậy, giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tính tới ngày 6/9/2022, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh vào tháng 3/2022. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 93 USD / thùng, trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD / thùng. Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang ở mức cao so với những năm trước.

Giá dầu thế giới hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào: Cung sản lượng (của OPEC+, Nga, Iran…); Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới; Biến động địa chính trị thế giới; Biến động giá của các đồng tiền mạnh trên thế giới

Một số yếu tố có thể giải thích cho việc giá dầu giảm, bao gồm:

Nguồn cung dầu được cải thiện. Mỹ hiện đang gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu. Tổng thống Mỹ Biden đã thực hiện chuyến công du Trung Đông nhằm tìm cách giảm giá dầu trong bối cảnh lạm phát trong nước tăng kỷ lục đe dọa đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11-2022. Công suất lọc dầu cũng đang tăng lên ở Trung Đông, Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi. Các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới đã đồng ý tăng sản lượng khai thác để giúp giảm giá tăng cao. Cụ thể, các thành viên của Nhóm các nước xuất khẩu mỏ OPEC + (bao gồm cả Nga) đã tăng sản lượng thêm 600.000 thùng / ngày trong tháng 7 và tháng 8/2022, đồng thời thỏa thuận tăng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhu cầu dầu giảm và kéo giá dầu thế giới đi xuống. Các số liệu tăng trưởng kinh tế thế giới quý II/2022 cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu: Kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm hai quý liên tiếp, giảm 1,6% trong Quý I/2022 và 0,9% trong quý II/20022; kinh tế Nhật Bản quý II/2022 sụt giảm 1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của các biện pháp phòng dịch, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng và chi tiêu dùng giảm. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, chỉ 0,4% trong quý II/2022 - mức thấp nhất trong hai năm qua do ảnh hưởng của chính sách zero-COVID. Giá dầu tăng cao do xung đột tại Ukraine khiến các nước phải thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, cùng với chính sách zero COVID của Trung Quốc và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy giảm tăng trưởng thế giới.

NHTƯ các nước lớn như Mỹ, EU… tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể khiến giá dầu thế giới giảm..

Chính phủ đang có những chính sách như thế nào để cân bằng tác động của giá dầu? Một trong những vấn đề chính được Quốc hội quan tâm trong thời gian gần đây là bình ổn giá xăng dầu và kiểm soát lạm phát. Ông có thể chia sẻ một số kế hoạch hành động cụ thể được áp dụng để giải quyết những vấn đề này?

Tình hình kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm cho thấy: Ổn định vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. CPI tháng 8 tăng 3,6% so với cùng kỹ năm trước, tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỹ các năm 2018-202, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; đảm bảo nguồn cung điện, xăng dầu, kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành, tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, còn một số khó khăn hạn chế. Đó là những thách thức, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố mới chưa có tiền lệ, rất khó dự báo của tình hình thế giới, khu vực đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống KT-XH của nước ta trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Cùng với đó việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón.... thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng rất khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng... tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Những yếu tố này chưa giải quyết trong ngắn hạn do căng thẳng Nga-Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, khó đoán định; lạm phát cao, kéo dài tại nhiều nền kinh tế lớn, có vị trí quan trọng trong GVCs, tạo mặt bằng tiền lương, giá đầu vào mới; xu hướng gia tăng bảo hộ ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Trong khi đó, tình hình hạn hán trên diện rộng tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có một số giải pháp chính sách bình ổn giá xăng dầu. Thứ nhất, giảm thuế Bảo vệ môi trường. Theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, ngày 23/3/2022 của UBTV Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, trừ nhiên liệu bay từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 được quy định lại.

Thứ hai, giảm 10% thuế nhập khẩu với xăng tại Nghị định 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế kèm theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP.

Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/ND-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); quán triệt phương châm điều hành những tháng cuối năm “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “kiên quyết không” đã được Chính phủ thảo luận trong các phiên họp tháng 6-6/2022; chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh; tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ trong tủng và dài hạn để đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra. Trong đó có các giải pháp sau:

Cùng với đó, cần theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật, đánh giá tác động của những vấn đề thế giới nổi lên, tình hình lạm phát chung thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, chủ động các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để có phương án ứng phí kịp thời với những tình huống phát sinh; nhận định các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn, để có giải pháp điều tiết sản xuất, nguồn cung phù hợp; bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở phân phối bán lẻ xăn dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ.

Theo tôi, để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.

Chú thích ảnh

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam:

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những biến động giá dầu trong nước và thế giới trong thời gian gần đây? Nhận định của ông về triển vọng giá dầu từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung?

Về cơ bản, giá xăng dầu tại thị trường Việt Nam được điều chỉnh theo giá tham chiếu Platts Singapore, và giá Platts thường có chung xu hướng với giá dầu ít lưu huỳnh đang niêm yết trên sở ICE.

Trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá dầu rõ ràng đang ở trong 1 xu hướng giảm. Giá dầu WTI và Brent đã giảm khoảng 25% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6 và đang có dấu hiệu sẽ tiếp tục giảm thêm, sau khi dầu WTI đã ở dưới 90 USD/thùng và dầu Brent cũng chuẩn bị giảm dưới mốc này.

Nhìn chung, giá dầu đang chịu tác động bởi triển vọng nhu cầu nhiều hơn so với các thông tin về nguồn cung. Lo ngại về tình trạng lạm phát tại Mỹ và châu Âu, sau khi các Ngân hàng trung ương tăng lãi suất, đang khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn. Kết hợp với việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách phong tỏa các thành phố lớn bị Covid-19, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, khiến giá dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây. Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc 2 tháng liên tục ở dưới 50, cho thấy hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp lại, là dấu hiệu đáng báo động về kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, về nguồn cung, nhìn chung các động thái thay đổi tăng sản lượng 100 nghìn thùng/ngày rồi lại giảm 100 nghìn thùng/ngày của OPEC+ không có nhiều ý nghĩa thực tiễn đối với thị trường, bởi trong nhiều tháng qua, OPEC+ vẫn không khi nào đảm bảo nguồn cung được nhu cam kết. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, động thái giảm sản lượng mới đây của OPEC+ mang tính biểu tượng, cho thấy nhóm này sẽ không để giá dầu trượt dốc trong 1 thời gian dài, ảnh hưởng tới lợi ích của các thành viên trong nhóm.

Theo tôi, từ giờ tới cuối năm giá dầu sẽ vẫn suy yếu nhưng không thể giảm quá nhiều. Khi giá thế giới giảm đến vùng 60 – 70 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPE+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu từ Nga chủ yếu đến từ dầu thô, nên giá dầu thấp sẽ tạo ra những căng thẳng địa chính trị và qua đó gián tiếp hỗ trợ giá không giảm sâu hơn. Theo tôi giá dầu có thể sẽ ở vùng giá 60 – 90 USD/thùng trong quý IV năm nay.

Ông có thể chia sẻ một số mong đợi của mình từ các chính sách hỗ trợ của chính phủ nếu sự bất ổn về nguồn cung và giá xăng tiếp diễn trong thời gian tới?

Hiện nay, thị trường nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam gần như đang thả nổi theo biến động của thế giới mà chưa có công cụ thực tiễn nào có thể hạn chế được những rủi ro về giá.

Trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.

Vì thế, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các Bộ ban ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả.

Với tư cách là hội viên của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trong Hiệp hội có sự quan tâm rất lớn tới các công cụ bảo hiểm giá này, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả.

PV (ghi)
Để không ‘bị động’ trước cuộc chiến năng lượng thế giới
Để không ‘bị động’ trước cuộc chiến năng lượng thế giới

Tại buổi Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do báo Đầu tư tổ chức sáng 8/9/2022, tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 80 khách mời đến từ các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và hiệp hội quốc tế, rất nhiều ý kiến của các diễn giả đã đưa ra những gợi mở rất đáng quan tâm về việc làm thế nào để ổn định và phát triển trong bối cảnh biến động giá dầu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đang khá phức tạp và chưa có “hồi kết”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN