Để không ‘bị động’ trước cuộc chiến năng lượng thế giới

Tại buổi Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do báo Đầu tư tổ chức sáng 8/9/2022, tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 80 khách mời đến từ các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và hiệp hội quốc tế, rất nhiều ý kiến của các diễn giả đã đưa ra những gợi mở rất đáng quan tâm về việc làm thế nào để ổn định và phát triển trong bối cảnh biến động giá dầu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đang khá phức tạp và chưa có “hồi kết”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, và đồng thời cũng để gợi mở các vấn đề thảo luận tại tọa đàm, Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhấn mạnh: Sau hơn 2 năm đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam và thế giới đang dần quay lại cuộc sống bình thường. Nhiều chính sách mở cửa, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành tạo đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, kỳ vọng mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Chú thích ảnh
Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh, phát biểu tại Tọa đàm.

“Trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể giải quyết, giá xăng dầu đã từng tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán trước đó, và mặc dù hiện tại giá nhiên liệu có phần giảm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.

Tại thị trường Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Giá dầu ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế.

Tính riêng chỉ trong hơn 10 ngày qua, giá xăng dầu thế giới có biến động mạnh, đặc biệt tại thị trường Singapore. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, nếu tham chiếu trên thị trường Singapore, giá xăng RON95 tại Việt Nam đang thấp hơn từ 500-800 đồng mỗi lít; xăng E5RON92 đang thấp hơn khoảng 400-700 đồng/lít và đặc biệt giá dầu đang thấp hơn từ 1.900 - 2.450 đồng/lít.

Trước diễn tiến thị trường xăng dầu quốc tế bất ổn gia tăng, giá trong nước sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tình trạng biến động giá xăng dầu tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI”, ông Lê Trọng Minh khẳng định.

Chính vì vậy, tại cuộc tọa đàm này, mong muốn của BTC là qua lăng kính và góc nhìn chuyên nghiệp của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trong ngành cả Việt Nam và quốc tế, sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều, đa dạng hơn về các giải pháp ứng phó với biến động về giá và nguồn cung dầu khí.

“Các nội dung thảo luận trong Tọa đàm hôm nay cũng sẽ là thông tin tham khảo trong việc xây dựng chính sách bình ổn giá, ổn định thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy đến trong tương lai”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Định hướng này đã được các đại biểu dự Tọa đàm “hiện thực hóa” trong các bài tham luận, phát biểu của mình.

Chú thích ảnh
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại Tọa đàm.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đưa ra những thông tin rất đáng quan tâm: Giá dầu thế giới kể từ cuối năm 2021 đến nay đã tăng liên tục, từ mức 75 USD/thùng vào cuối tháng 12/2021, vượt mốc 100 USD vào 1/3/2022, sau cuộc xung đột Nga- Ukraine. Giá dầu thiết lập ở mức đỉnh vào 8/3/2022 (gần 140 USD/thùng), sau khi Mỹ chính thức cấm vận nhập khẩu nhiên, nguyên liệu của Nga, dao động trong khoảng 100-126 USD/thùng từ tháng 4 đến đầu tháng 9/2022.

“Dự báo giá dầu thời gian tới dự báo duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung-cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cho rằng giá dầu sẽ đạt dao động bình quân 100-115 USD/thùng năm 2022, cao hơn khoảng 40-60% so với năm 2021, và giảm về mức 92 USD/thùng năm 2023 và 80 USD/thùng vào năm 2024. Theo đánh giá của Ngân hàng Mỹ (BoA) và Morgan Stanley, trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh”, ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Lê Tuấn Anh, từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016-2020. Do vậy, giá nhiên liệu, đặc biệt là dầu thô thế giới tăng cao sẽ gây áp lực tăng giá xăng dầu trong nước.

“Về mặt thuận, giá dầu tăng giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu thô; tạo điều kiện thuận lợi để ngành dầu khí triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp lọc hóa dầu phục hồi năng lực sản xuất sau đại dịch COVID-19. Theo tính toán của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, các kịch bản thu cho NSNN năm 2022 từ dầu thô qua các sắc thuế, lãi nước chủ nhà từ các hợp đồng dầu khí và của Liên doanh Việt-Nga (VSP) theo các mức giá dầu từ 60 đến 100 USD dao động tăng từ 1,2 tỷ USD (28,2 nghìn tỷ đồng) đến 2,636 tỷ USD (khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, mặt không thuận sẽ nhiều hơn, như cản trở phát triển kinh tế, gây áp lực lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát; khiến chi phí đầu tư sản xuất tăng cao; gây khó khăn cho xuất khẩu và làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP”.

Với riêng DN, xăng dầu là nhiên liệu quan trọng, dù nhiều hay ít, gần như hầu hết các ngành đều sử dụng. Xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than…

“Khi giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể tăng tương ứng vì trong và sau đại dịch sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm. Ngoài ra, vận tải đóng một vai trò trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông. Đối với doanh nghiệp vận tải, khi giá xăng dầu tăng dẫn đến giá các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng. Giá xăng dầu tăng trong thời gian vừa qua đã làm chi phí của doanh nghiệp vận tải tăng. Điều này đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh nghiệp khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5% làm cho chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra đều bị đội lên do giá cước vận tải tăng. Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản… đang chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3-5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào; Ngư dân đánh bắt thủy sản không ra khơi do doanh thu không đủ bù chi phí xăng dầu, làm giảm sản lượng khai thác thủy sản và ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo… Qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp, mặc dù có sự gia tăng về doanh thu, mức độ tăng các chi phí của doanh nghiệp trong quý II/2022 so với quý liền kề và cùng kỳ năm ngoái đang ở mức cao hơn so với mức độ tăng doanh thu quý II/2022”, ông Lê Tuấn Anh chỉ rõ.

Từ thực tế này, theo ông Lê Tuấn Anh, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, DN cũng triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm..

DN cũng đã đề xuất mong muốn Chính phủ có giải pháp tổng thể, nâng cao năng lực dự trữ xăng, dầu, đồng thời nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới, để ổn định và phát triển nền kinh tế trong nước.

Trên thực tế, trước sức ép của giá dầu, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả như: Kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra. Hỗ trợ giảm chi phí đầu vào, nhiên, nguyên vật liệu: Việc điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước.

“Hiện nay, nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng dầu khoảng 35% giá thành. Trong thời gian qua, UBTV Quốc hội đã đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường (giảm xăng từ 4.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít, giảm dầu từ 2.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít); Chính phủ đang xem xét phương án đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải tuy nhiên để thực hiện được việc này cần phải có sự đồng ý của Quốc hội. Các chính sách hổ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh thực hiện. Ngày 26/08/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến; và hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực”, ông Lê Tuấn Anh khẳng định.

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, để có thể “đối phó” với những khó khăn do giá xăng dầu biến động, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát thế giới và biến động cung - cầu các mặt hàng chiến lược để kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp, tận dụng cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cùng cầu thị trường trong nước. Theo dõi sát diễn biến giá của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas… để có giải pháp điều hành chủ động và phù hợp. Cùng với đó, có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, đi đôi với sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng dầu, quản lý điều hành và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý, bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi; đồng thời kiểm soát tình trạng buôn lậu xăng dầu khi vực biên giới; tình trạng sản xuất, bán xăng giả, kém chất lượng khi giá dầu ở mức cao trong bối cảnh tình hình cung ứng xăng dầu thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước bất ổn trước nguy cơ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như kế hoạch do khó khăn về tài chính. Cũng như xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt

Về các biện pháp trung và dài hạn, cần sớm đầu tư xây dựng các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ để giúp ta chủ động ứng phó vơi các biến động bất thường về giá dầu thế giới có thể tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế của nước ta. Nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu cả trong và ngoài nước. Cân nhắc hợp tác với nhiều bên với các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ bên ngoài. Tăng cường sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí duy trì, mở rộng hoạt động của các dự án.

Cuối cùng, cần hoàn thiện thể chế, chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đẩy mạnh đầu tư các dự án năng lượng sạch, tái tạo, chú trọng phát triển công nghiệp xanh, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này để giảm dần sự phụ thuộc vào dầu khí truyển thống. Tạo mọi điều kiện ưu đãi, thu hút, khuyến khích các dự án sản xuất, sử dụng năng lượng xanh, sạch, công nghệ hiện đại, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

PV
Tìm kịch bản ứng phó cho những biến động ‘khôn lường’ của giá dầu
Tìm kịch bản ứng phó cho những biến động ‘khôn lường’ của giá dầu

Sáng 8/9/2022, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” với sự tham dự của hơn 80 khách mời đến từ các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và hiệp hội quốc tế và đông đảo cơ quan báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN