Bắt đầu từ cuối năm trước, đỉnh điểm là hơn ba tháng đầu năm nay; doanh nghiệp Hà Nội phải đối mặt với nhiều áp lực: Giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng, lãi suất tăng khiến giá thành sản phẩm đội cao gây khó khăn đến tiêu thụ sản phẩm.
Như vậy, sau khi gượng dậy từ những ảnh hưởng cuộc suy thoái kinh tế vài năm trước, giờ đây doanh nghiệp sản xuất của Hà Nội lại bước vào giai đoạn đầy gian nan. Không cách nào khác, các đơn vị đang nỗ lực phát huy nội lực để ổn định và phát triển sản xuất, trong đó tiết giảm chi phí là trách nhiệm chung của tất cả các doanh nghiệp.
Những hệ lụy từ sự đột biến của giá đầu vào
Những nguyên vật liệu sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp như điện, xăng dầu, gas, nước tăng giá cộng với tỷ giá ngoại tệ tăng, lãi suất ngân hàng tăng khiến các doanh nghiệp bị đẩy vào “vòng xoáy” của lạm phát. Suy cho cùng, khi nền kinh tế vấp phải khó khăn thì doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Qua đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, khi lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp ít nhiều đều có những ảnh hưởng nhất định: Sức tiêu thụ giảm kéo theo lợi nhuận giảm, thậm chí thu nhập của người lao động cũng bị cắt giảm.
Ông Dương Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt 10/10 cho biết: “Nếu quý I năm 2010 doanh thu của công ty đạt 1.000 tỷ đồng thì quý I năm nay chỉ đạt 650 tỷ đồng; dự kiến quý II giảm xuống còn 400 tỷ; doanh thu cả năm 2011 dự kiến đạt 2.000 tỷ, giảm tới 50% so với năm trước. Chính vì vậy, lương người lao động trong quý I đang ở mức 4 triệu đồng/tháng sẽ bị cắt giảm xuống hơn 3 triệu đồng/tháng vào quý II”. Giải thích vấn đề này, ông Bình cho biết, đây là giai đoạn đầy khó khăn của doanh nghiệp. Ngoài chi phí đầu vào tăng cao thì thị trường chủ lực của công ty là châu Phi đang bị thu hẹp, việc thanh toán kinh phí qua ngân hàng đang khó khăn.
Cùng trong tình trạng này, doanh nghiệp sản xuất sữa của Hà Nội cũng chịu áp lực của giá sữa nguyên liệu, bao bì sản phẩm, điện nước tăng. Cụ thể như giá sữa tươi nguyên liệu tăng từ 7.000 đến 13.500 đồng/kg; giá sữa bột tăng lên gấp hai lần so với trước; giá bao bì tăng 28%; giá điện, nước cùng lãi suất ngân hàng tăng. Ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Quốc tế cho biết: “Nguyên liệu đầu vào tăng nhưng trái lại, sữa là mặt hàng tăng chậm so với các hàng thực phẩm khác. Khi tăng giá sữa tươi thì sức tiêu thụ sẽ giảm”.
Tiết giảm chi phí, giữ thị phần tiêu thụ
Khảo sát hơn 20 doanh nghiệp mới đây của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy: Đa phần các doanh nghiệp đều có những giải pháp để giữ vững sản xuất như tổ chức lại sản xuất kinh doanh, định mức lại tiêu hao nguyên vật liệu, tiết kiệm điện trong sản xuất, chủ động không đưa chỉ tiêu lợi nhuận tăng mà giữ ở mức hòa vốn để đảm bảo thu nhập cho người lao động, tránh tình trạng công nhân bỏ việc. Bởi thực tế, khi giá đầu vào tăng với mức cao như hiện nay thì việc tăng giá sản phẩm ngay lập tức chưa hẳn đã được thị trường chấp nhận. Việc tăng giá sản phẩm sẽ được tính toán ở mức hợp lý, tăng theo lộ trình dài ngày tránh sự đột biến, gây “sốc” cho người tiêu dùng.
Ông Trịnh Sỹ, Tổng giám đốc Công ty CP Tràng An cho rằng: Ngoài việc tiết giảm chi phí đầu vào, giải pháp có tính đột phá đối với doanh nghiệp lúc này là giãn hoặc bỏ đầu tư; chấp nhận tạm thời không đặt mục tiêu cao về lợi nhuận. Theo đó, thời điểm này, Công ty CP Tràng An tìm mọi biện pháp để duy trì sản xuất, giữ vững thị trường, thương hiệu mà nhiều năm qua người tiêu dùng đã tín nhiệm lựa chọn.
Cũng như doanh nghiệp này, Công ty CP Dệt 10/10 sẽ sắp xếp lại sản xuất, giảm chi phí đầu tư ở các đơn vị, cắt giảm bớt vệ tinh và tiết giảm mọi vật tư nguyên liệu. Cùng với việc tiết giảm chi phí sản xuất, công ty tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ để lấy lại đà tăng trưởng như trước kia.
Công ty CP Sữa Quốc tế cũng thực hiện giảm đầu tư trong giai đoạn này, giữ hòa vốn hoặc lỗ thấp, không sản xuất một số sản phẩm giá thành cao. Theo đó, công ty siết chặt kỷ luật lao động; tiết giảm điện năng; hợp lý hóa, cải tiến một số quy trình sản xuất tránh để sản phẩm hỏng. Đồng thời công ty cũng nâng cao chất lượng lao động, tăng năng suất lao động, giảm chi phí không hợp lý, quản lý chất lượng ngay từ đầu vào và không tuyển thêm nhân lực.
Đinh Thị Thuận