Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ riêng biệt

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo điều tra về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Theo CIEM, cuộc điều tra lần này có sự tham gia của gần 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Từ những phân tích về các vấn đề tăng trưởng lao động, vấn đề đầu tư và tiếp cận tài chính, năng lực DN..., báo cáo khuyến nghị cần có hỗ trợ riêng để DNNVV phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.


 

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Hội sở Seabank, số 25 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Cụ thể, về đầu tư và tiếp cận tài chính, kết quả điều tra cho thấy, các DNNVV có nhiều khó khăn hơn trong lĩnh vực này. Số liệu cho thấy có ít DN đầu tư mới hơn so với năm 2009 (giảm từ 61% xuống 56% năm 2011). Theo nhận định, kết quả này có thể là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn. Có 444 DN trong tổng số gần 2.000 DN cho biết không tiến hành đầu tư mới trong 4 năm qua.


Khó khăn về tín dụng được xem là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của các DN. Cụ thể gần 39% DN có thể được coi là gặp khó khăn về tín dụng. Mặt khác, số lượng DN có các khoản vay phi chính thức nhiều gấp đôi so với các DN có các khoản vay chính thức. Gần 90% các DN có khó khăn tại thị trường tín dụng chính thức cho biết họ phải tìm cách tiếp cận với các khoản vay từ nguồn phi chính thức.


Kết quả trên cho thấy, nhu cầu tín dụng của các DNNVV vẫn rất cao. Các rào cản tín dụng đối với DNNVV chưa được cải thiện nhiều, hay nói chính xác hơn, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN khu vực này vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.


Về tăng trưởng việc làm, nghiên cứu tiến hành trên 1.999 DNNVV cho thấy, tổng số lao động toàn thời gian giảm 6,2% trong giai đoạn hai năm. Có khoảng 60% số DNNVV giảm số lượng lao động cố định.


Tuy nhiên, báo cáo cũng cho hay, đã có sự cải tiến chung về năng suất lao động trong các DNNVV. TS Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng dấu hiệu này cần được đánh giá sâu sắc để tìm lời giải cho chính sách phát triển kinh tế khi thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững.


Báo cáo đã đưa ra một phát hiện hết sức bất ngờ - đó là các DN bỏ ra nhiều chi phí không chính thức (hối lộ) không tạo ra nhiều lao động hơn so với các DN không đưa hối lộ. Phải chăng hàm ý ở đây là, những DN làm ăn “không bài bản” có vẻ như sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phải bỏ ra các chi phí không chính thức. Ngược lại, các DN làm ăn chân chính cũng vẫn có thể phát triển một cách bình thường. "Điều này chứng tỏ, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây", TS Phạm Thị Thu Hằng (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) lưu ý.


Về việc cải tiến các sản phẩm, có 40% (800 trong tổng số 1.998 DN) cho biết không cải tiến sản phẩm hiện tại trong 4 năm được nghiên cứu. Bên cạnh đó, 31% DN không cải tiến sản phẩm hiện tại trong năm 2009 có thực hiện thay đổi với các sản phẩm trong năm 2011. Như vậy, việc các DN cải tiến sản phẩm có xu hướng giảm là một vấn đề đáng báo động.


TS Phạm Thị Thu Hằng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường của các DNNVV chủ yếu là thị trường nội địa và vấn nạn hàng nhập lậu vẫn còn nhức nhối thì việc cải tiến sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường này là vô cùng quan trọng. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài thì có thể là một trong những nguy cơ đẩy các DNNVV phải rút lui khỏi thị trường. Thực tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2012, vấn đề tồn kho là một vấn đề lớn và đã có trên 42.000 DN phải ngừng hoạt động và giải thể.


Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, DNNVV đang đứng trước thách thức đối với sự phát triển. Do quy mô nhỏ, khu vực này phải luôn được quan tâm từ hai góc độ cải thiện môi trường kinh doanh nói chung để giảm chi phí gia nhập thị trường và thực hiện chính sách hỗ trợ riêng biệt cho DNNVV để khu vực này tăng trưởng và phát triển, tiếp cận nguồn lực bình đẳng với DN lớn.


Có thể nói các chính sách hậu khủng hoảng đã được Chính phủ xây dựng và thực thi nhằm duy trì sức cạnh tranh của các DN nói chung và khối DNNVV nói riêng. Tuy nhiên, những kết quả từ báo cáo này cho thấy, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách để từ đó nâng cao khả năng hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển dài hạn của khu vực DN này.


Quang Toàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN