Cổ phần hóa gặp nhiều thách thức - Bài cuối: Tăng chất lượng quản trị doanh nghiệp

Có một điểm chung dễ nhận ra tại các phiên đấu giá giá cổ phần bị “ế” nặng thời gian qua, là tỷ lệ cổ phần mà cổ đông nhà nước nắm giữ tại DN hậu CPH quá lớn. Theo giới chuyên gia kinh tế, đây đang là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư (NĐT) không mặn mà với cổ phiếu IPO. Do đó, đối với quá trình CPH, cần chú trọng giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước để tăng chất lượng quản trị.

E ngại cổ phần nhà nước quá lớn

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), có nhiều NĐT trong và ngoài nước sẵn sàng bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu IPO của DN hoạt động hiệu quả, với mục tiêu nắm cổ phần chi phối, từ đó trở thành ông chủ mới của DN hậu CPH. Họ không muốn trở thành cổ đông nắm cổ phần thiểu số, không có thực quyền điều hành DN. Thế nhưng, những NĐT tiềm năng này không mặn mà tham gia mua cổ phiếu IPO bởi rất nhiều DN thuộc các lĩnh vực mà theo quy định không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối, nhưng hậu CPH, cổ đông nhà nước vẫn nắm tới 80 - 90% cổ phần.

Đơn cử như hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, hậu CPH, Tổng công ty Viglacera có vốn điều lệ 2.645 tỷ đồng, thì Nhà nước nắm tới 91,48% vốn điều lệ, trong khi chỉ bán cho người lao động trong DN lượng cổ phần chiếm 0,55% vốn điều lệ và bán cho các cổ đông khác số cổ phần chiếm 7,97% vốn điều lệ... Lĩnh vực hoạt động của Viglacera không thuộc danh mục cổ đông nhà nước cần nắm cổ phần chi phối. Thế nhưng, việc cổ đông này sở hữu gần như tuyệt đối lượng cổ phần hậu CPH đã phần nào lý giải tại sao trong đợt IPO vừa qua, Viglacera chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần trên tổng số gần 77 triệu cổ phần đưa ra đấu giá.

Ông Lê Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cũng cho biết, CPH vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những DN có vốn điều lệ của nhà nước chiếm giữ trên 50%. Lý giải nguyên nhân trên ông Tùng cho hay: "DN có vốn nhà nước trên 50% thường phải chịu sự chi phối nhiều, quản lý theo cơ chế bao cấp, chậm đổi mới quản trị DN nên hiệu quả kinh doanh không cao. Mà hiệu quả kinh doanh không cao thì chẳng NĐT nào dám vào mua cổ phiếu. Bởi vì, theo tính toán có sự chênh lệch lợi nhuận giữa DN có trên 50% và DN có dưới 50% vốn nhà nước. Tỷ lệ lợi nhuận của DN có vốn nhà nước dưới 50% cao gấp 3 - 5 lần”.

Theo đánh giá của giới đầu tư, việc cổ đông nhà nước nắm cổ phần quá lớn hậu CPH, gây quan ngại làm chậm quá trình cải thiện chất lượng quản trị, cũng như cung cách làm ăn của DN. Điều này đã được thực tế chứng minh với hàng loạt DN đã được IPO những năm qua, nên NĐT ít có niềm tin về triển vọng tích cực của DN hậu CPH.

“Tới đây, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát sau CPH, nếu phát hiện những DN không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối, mà Ban chỉ đạo CPH vẫn xây dựng phương án CPH theo hướng cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối, dẫn đến IPO không thành công, Ban chỉ đạo CPH phải chịu trách nhiệm.”

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.


Minh bạch hoạt động sau cổ phần hóa

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, tỷ lệ sở hữu nhà nước thay đổi thế nào, có bao nhiêu cổ đông chiến lược sau CPH mới là vấn đề quan trọng. “Bởi, đó là những điều kiện tiên quyết để quản trị DNNN chuyển sang khung quản trị hiện đại, theo thông lệ thị trường”, ông Cung bày tỏ quan điểm. Nếu nhìn ở góc độ này, theo ông Cung, tiến độ CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang chậm, thậm chí còn chưa làm được gì.

“Quản trị DNNN vẫn chưa có khung thống nhất theo thông lệ. Quy định về công khai, minh bạch hóa thông tin như công ty niêm yết có, nhưng chưa rõ công khai gì, có đầy đủ, kịp thời hay không. Yêu cầu thực hiện có hiệu lực quyền chủ sở hữu nhà nước, tách quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh, chủ sở hữu và điều tiết thị trường chưa thực hiện được, ngay cả khi thông qua Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN”, ông Cung phân tích.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu năm 2014, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng bày tỏ lo ngại về việc số đầu mối đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN vẫn không thay đổi, các cơ quan đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiêm nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước. “Nếu cứ giữ 51% cổ phần nhà nước trong nhiều DN khi CPH, thì người mua sẽ không thể xác định được quyền lực của họ khi tham gia cuộc chơi này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến không chỉ tốc độ, mà cả chất lượng hoạt động. Phải thay đổi cách tiếp cận để tạo ra nguồn lực mới”, ông Thiên khuyến nghị.

Để thúc đẩy CPH DNNN thực chất hơn, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cũng đề xuất, cần bán hết phần vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Với những DNNN mà Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối, cần tập trung đổi mới mạnh mẽ quản trị, coi đây là giải pháp chủ yếu của tái cơ cấu DNNN. Trong đó, trọng tâm là thực hiện minh bạch hóa hoạt động của DNNN.   


Thu Hường


Cổ phần hóa gặp nhiều thách thức - Bài 2
Cổ phần hóa gặp nhiều thách thức - Bài 2

Để đẩy nhanh việc thoái vốn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 (về một số giải pháp để thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, thúc đẩy CPH, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước) và được thể hiện bằng Quyết định 51 với hàng loạt giải pháp mang tính đột phá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN