Cao Bằng: Bữa ăn chất lượng cao cho công nhân

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, giá cả thị trường tăng cao, đã làm cho bữa ăn của công nhân ngày càng teo tóp. Tỉnh vùng cao biên giới như Cao Bằng cũng không thoát khỏi tình trạng chung của cả nước. Tại đây, rất nhiều nhà máy và doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, sản xuất cầm chừng, khiến nhiều công nhân mất việc làm chứ không nói gì đến nâng cao chất lượng bữa ăn ca. Tuy nhiên, tại tỉnh miền núi đầy khó khăn này vẫn có những doanh nghiệp không chỉ đứng vững trong bão giá mà còn duy trì tốt những bữa ăn công nhân chất lượng cao, mức thu nhập cho người lao động không ngừng được cải thiện.

Bữa ăn của công nhân tại Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang.


Để đích thân mục sở thị một bữa ăn ca của công nhân được Liên đoàn lao động tỉnh Cao Bằng cho là tốt nhất trong thời điểm hiện nay, tôi cùng nhà báo Thái Minh Châu, Trưởng Ban Các vấn đề xã hội của báo Phụ nữ có mặt tại bếp ăn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang đúng vào đúng giờ ăn ca của công nhân mà không hề gọi điện báo trước cho lãnh đạo công ty. Chính vì vậy khi vào đến cổng chúng tôi phải chờ mất 15 phút mới được lãnh đạo công ty cho phép vào làm việc. Lấy cớ là đi tìm hiểu tình hình hoạt động của nhà máy, nhưng vào đến nơi chúng tôi lại xin phép xuống thăm nhà ăn của công nhân. Theo ghi nhận của chúng tôi, bữa ăn của công nhân hôm nay gồm có: Thịt ba chỉ rang cháy cạnh, đậu phụ rán, canh cá nấu chua, bí xào và điều đặc biệt hơn là có cả một cốc chè đỗ đen cho mỗi người để giải khát trước khi ăn cơm.

Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi một anh công nhân to béo có khuôn mặt cháy nắng. Ngày nào cũng ăn như thế này hả anh? Hôm nào cũng vậy thôi, nhưng mấy hôm nay thêm món chè đậu đen, chắc tại thời tiết nóng quá, mà việc lại nhiều nên lãnh đạo công ty mới bổ sung- anh Tuấn, người công nhân to béo trả lời. Nghe vậy, nhưng nhà báo Minh Châu có vẻ chưa tin lắm, vì anh đã đi và được chứng kiến khá nhiều bữa ăn công nhân trên khắp đất nước này. Theo anh, ngay cả các công ty nổi tiếng nhưng bữa ăn cũng hết sức đạm bạc, nếu không muốn nói là hết sức bèo bọt.

Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân.


Để xác minh rõ hơn, tôi đến hỏi chuyện một công nhân đang mang bầu tên là Lý Thị Thơm. Chị thơm cho biết, chị đã đi làm ở rất nhiều công ty trên địa bàn Cao Bằng, nhưng ở Công ty Tây Giang là nơi lãnh đạo công ty quan tâm đến đời sống công nhân nhất. Không chỉ có bữa ăn ca chất lượng mà thu nhập bình quân đầu người của công nhân trong công ty cũng khá cao, bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tôi lại hỏi: Thế hiện nay lương của chị là bao nhiêu? Chị Thơm thật thà trả lời: Chỉ được 2,5 triệu đồng thôi vì em mới vào làm nên chưa được tăng lương.

Ông Linh Đức Huỳnh, Giám đốc nhân sự - Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang, cho biết, việc duy trì được suất ăn như thế này trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay là cả một bài toán vô cùng khó. Để tiết kiệm, Công ty không thuê đầu bếp, hay đặt cơm ca ở các nhà cung cấp bên ngoài, mà tuyển chọn từ đội ngũ công nhân những người có khả năng nấu ăn, công ty sắp xếp làm công việc cấp dưỡng nên suất ăn được chất lượng và không bị thất thoát. Hàng ngày bếp ăn của công ty phục vụ khoảng hơn 600 suất ăn cho cán bộ, công nhân trong nhà máy. Với mức chi phí như hiện nay là 18.000đồng/suất thì chỉ đủ để mua thực phẩm như thịt cá rau và gạo… Còn tiền ga, mắm muối, gia vị… các loại, công đoàn và lãnh đạo nhà máy phải trích từ khoản thi đua tiết kiệm trong lao động sản xuất của công nhân. Chính vì vậy hiện nay nhà máy có khẩu hiệu: “Tiết kiệm là cho chính mình”.
Bếp ăn của công nhân luôn được kiểm tra từ khâu nhập thực phẩm và chế biến và đồ dùng đều được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó hơn 2 năm hoạt động chưa có một trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm trong nhà máy. Công nhân nhà máy rất yên tâm và phấn khởi được lao động trong một môi trường công nghiệp, hiện đại và an toàn.

Ông Huỳnh còn cho biết thêm: Sở dĩ công ty luôn quan tâm tốt đến đời sống của anh chị em công nhân trong công ty là vì hoạt động của công ty chủ yếu trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản nên công việc tương đối nặng nhọc. Do vậy công nhân có đời sống tốt thì mới có thể tái tạo sức lao động nhanh, họ yên tâm gắn bó với công ty hơn nên công ty ít biến động về lực lượng lao động, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Thực tế cho thấy rất nhiều công nhân có tay nghề từ các công ty khác trên địa bàn tỉnh đang đến nộp hồ sơ để xin vào làm việc cho công ty.

Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang chỉ là một trong 12 Công ty trực thuộc Tập đoàn Khoáng sản Tây Giang, hoạt động trên địa bàn 5 tỉnh, thành trong cả nước, với 2.600 cán bộ, công nhân viên. Sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn đang trên đà phát triển bền vững, doanh thu năm 2010 đạt trên 3.000 tỉ đồng, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đóng góp cho ngân sách nhà nước hằng năm hàng trăm tỉ đồng. Riêng lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản là thế mạnh của Tập đoàn, với kinh nghiệm trên 10 năm, Tập đoàn đã sản xuất ra các sản phẩm feromangan, silicomangan có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện nay đang xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trong khu vực cũng như trên thế giới như Hyundai (Hàn Quốc), Tôkyô Boyki (Nhật Bản)… đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang.

Nhìn vào những kết quả đạt được của Công ty cổ phần khoáng sản Tây Giang và Tập đoàn Khoáng sản Tây Giang nói chung có thể thấy, nếu biết kết hợp tốt giữa lợi ích của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động thì không những doanh nghiệp phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cao mà còn phát triển một cách bền vững.

Mạnh Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN