Theo thỏa thuận đã ký, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cam kết hỗ trợ Agribank triển khai các gói tín dụng phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các chương trình mục tiêu của tỉnh; đồng thời các sở, ban ngành, các hiệp hội trên địa bàn tỉnh cũng được khuyến khích hỗ trợ Agribank trong việc mở tài khoản tiền gửi trung gian thanh toán lương, mở thẻ ATM cho cán bộ, nhân viên.
Agribank sẽ ưu tiên tham gia tài trợ phù hợp các kỳ Festival hoa Đà Lạt và Lễ hội trà được tổ chức tại Lâm Đồng, tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tại Lâm Đồng triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố, mở rộng mạng lưới hoạt động tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn...
Chăm sóc cà phê tái canh ở Lâm Đồng. |
Tại hội nghị, ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao những nỗ lực của Agribank trong quá trình hợp tác và nguồn vốn cho vay tái canh cà phê. Thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác và thông qua các nguồn vốn tín dụng của Agribank trong thời gian qua đã tạo thêm động lực để người dân mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo chuỗi liên kết..
Các hoạt động tín dụng của Agribank được triển khai đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tăng tín dụng vượt kế hoạch đề ra. Đến 30/6/2017, tổng dư nợ tại các chi nhánh của Agribank trên địa bàn đạt 19.306 tỷ đồng, tăng 2.259 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 13,2% so với đầu năm. Nếu so với cùng kỳ năm trước, tổng dư nợ đã tăng 4.260 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 28,3%. Đồng thời, mạng lưới giao dịch được mở rộng, khách hàng được sử dụng các dịch vụ tăng lên, tỷ lệ nợ xấu rất thấp, nguồn vốn tín dụng được giải ngân có chất lượng, công tác an sinh xã hội được quan tâm với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Trong những năm qua, Lâm Đồng là tỉnh thực hiện tái canh cà phê mạnh nhất cả nước. Từ năm 2013 đến nay, chương trình tái canh cà phê luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngân hàng hỗ trợ vốn vay, đặc biệt là Agribank.
Tính đến nay, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê già cỗi được 40.919,8 ha (trồng mới 1.087,5ha, trồng tái canh 15.854,2ha, ghép cải tạo 23.978,1ha), vượt mức kế hoạch đã phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện tái canh, cải tạo cà phê từ 2013 đến nay đạt 7.125 tỷ đồng. Để đáp ứng đủ nguồn vốn để thực hiện, Lâm Đồng đã thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó: nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp về cây, chồi giống cho nông dân, đào tạo tập huấn kỹ thuật là 15.871 triệu đồng, nguồn vốn vay tín dụng của Agribank 925.253 triệu đồng, nguồn vốn từ các chương trình dự án khác hỗ trợ: 27.233 triệu đồng.
Theo ông Tiết Văn Thành - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank, qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình, các Chi nhánh của Agribank trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện đúng theo cam kết và đáp ứng được phần nào nhu cầu vốn tín dụng để người dân đầu tư tái canh, cải tạo giống cà phê. Tính đến 31/7, các chi nhánh của Agribank Lâm Đồng đã thực hiện giải ngân với tổng số tiền hơn 950 tỷ đồng cho 5.515 khách hàng để đầu tư tái canh, cải tạo giống cà phê với tổng diện tích 9.005 ha. Trong đó, đầu tư 166 tỷ đồng cho 1.040 khách hàng để trồng tái canh 1.350 ha và 784 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng để ghép cải tạo 7.655ha. Tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê của các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 508 tỷ đồng với 4.502 khách hàng còn dư nợ, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.