Tổng Giám đốc Công ty ABIC Hoàng Thị Tính đề xuất ý kiến phát triển ngành Bảo hiểm nông nghiệp. |
Bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới. Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Do đó, bảo hiểm nông nghiệp chính là sự bảo đảm vững chắc cho thành quả và công sức lao động của người nông dân, góp phần đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa.
Bà Hoàng Thị Tính - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết, từ khi được thành lập đến nay (2007 – 2017), với mục tiêu là bảo vệ dòng vốn tín dụng của Agribank trong đó 70% dư nợ tín dụng của Agribank tập trung vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ABIC đã rất tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm tích hợp với các sản phẩm Ngân hàng để bảo vệ tài sản của Ngân hàng, chia sẻ rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh của Agribank.
Đến nay, ABIC đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: Công ty ABIC đã phối hợp với Agribank thiết lập mạng lưới bán hàng bao phủ với 1.131 điểm bán hàng là các PGD/Chi nhánh Agribank trên 703 huyện/thị xã tại 64 tỉnh thành phố. Công ty đã xây dựng được một đội ngũ đại lý bảo hiểm đông đảo và chuyên nghiệp nhất trong các DNBH Phi nhân thọ tại Việt Nam với gần 20.000 đại lý viên là cán bộ thuộc hệ thống Agribank trên toàn quốc.
Hàng năm, thông qua hệ thống Tổng đại lý Agribank, ABIC đã cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến 1,8 triệu triệu lượt khách hàng là các hộ gia đình, cá nhân thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện bảo hiểm cho hàng triệu hộ nông dân, đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng khi khách hàng vay vốn gặp rủi ro. Hàng năm ABIC chi trả trên 300 trăm tỷ đồng tiền bồi thường cho người vay vốn, điều này đã giúp cho ngân hàng giảm bớt tỷ lệ nợ xấu, đồng thời ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh của bà con tại khu vực nông thôn. Ngoài sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn, các sản phẩm khác của ABIC bao gồm bảo hiểm cho một số loại gia súc như bò sữa, dê.,.. một số loại cây công nghiệp như cây cao su, keo…. bước đầu đem lại hiệu quả và tiếp cận đúng nhu cầu của nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo bà Tính, Công ty ABIC đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành ban hành khung chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm mục đích huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp:
Một là, về điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm nông nghiệp: không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; không tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế doanh nghiệp bảo hiểm tham gia; không giới hạn điều kiện phải có chi nhánh tại các tỉnh dự kiến làm bảo hiểm nông nghiệp vì trên thực tế nhiều doanh nghiệp có cán bộ, đại lý viên đủ năng lực và kiểm soát tốt và tiếp cận tốt bà con nông dân làm còn hiệu quả hơn.
Hai là, ngoài việc hỗ trợ cho người mua bảo hiểm nông nghiệp về phí bảo hiểm, cần xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp bảo hiểm như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm trích lập quỹ dự phòng cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi kết quả kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp bị lỗ.
Ba là, chỉ đạo các địa phương: Cung cấp cho các doanh nghiệp bảo hiểm các cơ sở dữ liệu về tổn thất để các nhà Tái bảo hiểm quốc tế có đủ cơ sở cung cấp vốn, quy tắc điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp; ban hành các quy trình kỹ thuật nuôi trồng phù hợp đặc thù của từng địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại Trung ương và địa phương với doanh nghiệp bảo hiểm và các hộ nông dân/tổ chức nông nghiệp.
Bốn là, các cơ quan quản lý nhà nước giám sát quá trình hợp tác, thực hiện chương trình bảo hiểm nông nghiệp của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật; tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, phi kỹ thuật.