Tàu
thăm dò vũ trụ Messenger của Mỹ đã phát hiện dưới bề mặt Sao Thủy có chứa nước
và một số chất hữu cơ ở dạng băng.
Ngày 30/11, Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa
Kì (NASA) tuyên bố tàu thăm dò Messenger của họ đã tìm thấy nước và một số chất
hữu cơ tương tự than đá hoặc hắc ín bị đóng băng ở cực bắc Sao Thủy, hành tinh
gần Mặt Trời nhất.
Một miệng núi lửa trên sao Thủy có đường kính khoảng 115 km được cho là chứa đầy nước đóng băng. Nguồn: dailymail.co.uk |
Các nhà khoa học NASA tin rằng những chất
này đã được mang tới Sao Thủy từ hàng triệu năm trước bởi những vụ va chạm giữa
hành tinh này với nhiều sao chổi và các hành tinh nhỏ khác.
Trong 20 năm qua, các đài quan đặt tại Trái
đất đã thu thập những dấu hiện của nước trên Sao Thủy. Nhưng giới khoa học vẫn
không khỏi bất ngờ khi tàu Messenger tiếp cận và tìm thấy cả các chất hữu cơ
tại hành tinh vốn có nhiệt độ rất cao này.
Nhà khoa học David Paige từ trường Đại học California (Mỹ) cho biết
việc phát hiện những yếu tố cần thiết cho sự sống như nước và chất hữu cơ trên
một hành tinh thuộc hệ Mặt Trời là rất đáng mừng. Điều này có thể giúp các nhà
nghiên cứu tìm hiểu được cách thức sự sống trên Trái đất bắt đầu và phát triển
sự sống tại các hành tinh khác.
Tuy nhiên, không giống như tàu Curiosity (Tò mò) tìm
kiếm sự sống trên Sao Hoả bằng cách thu thập các mẫu đất đá cụ thể, tàu Messenger
(Sứ giả) thăm dò Sao Thuỷ từ xa bằng cách chiếu tia lade, đếm hạt phân tử, đo
đạc tia gamma và thu lượm các dữ liệu khác. Vì vậy, kết luận về sự tồn tại của
nước và chất hữu cơ được thực hiện thông qua thuật giải máy tính, phân tích thí
nghiệm và suy luận.
Tàu Messenger bắt đầu thăm dò sao Thủy từ
năm 2010 và sẽ kết thúc nhiệm vụ vào tháng Ba tới.
Hoàng
Trang