Đầu tuần này, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách mạng, truyền thông quốc tế và chính sách thông tin Mỹ Robert Strayer đã hối thúc LG Uplus và các nhà khai thác viễn thông khác đang sử dụng sản phẩm của Huawei chuyển sang những nhà cung cấp khác, viện dẫn các vấn đề an ninh. Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Huawei có quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc và các thiết bị của nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác, bất chấp việc Huawei kiên quyết bác bỏ.
Phản ứng trước phát biểu của ông Strayer, LG Uplus cho biết Huawei đã chứng minh được khả năng bảo mật của thiết bị, ngụ ý rằng tập đoàn viễn thông của Hàn Quốc này sẽ không cắt đứt quan hệ với Huawei.
Các chuyên gia cho rằng LG Uplus sẽ chịu thiệt hại lớn nếu quyết định thay thế các thiết bị, linh kiện của Huawei, xét trên mối quan hệ đối tác kinh doanh lâu năm giữa hai công ty.
Hiện LG Uplus đang sử dụng thiết bị 5G không chỉ của Huawei mà còn của các nhà cung cấp thiết bị 5G khác như Samsung Electronics (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Na Uy).
Áp lực ngày càng tăng khi tập đoàn viễn thông LG Uplus đang nỗ lực bắt kịp đối thủ trong việc thu hút người sử dụng 5G. Tính tới tháng 5, công ty đã có 1,7 triệu thuê bao 5G, so với 3,1 triệu thuê bao của tập đoàn SK Telecom và 2,1 triệu thuê bao của tập đoàn KT.
Cuối tuần qua, 3 nhà nhà mạng lớn của Hàn Quốc này đã đồng ý đầu tư 25.700 tỷ won (21,5 triệu USD) để xây dựng mạng lưới 5G trên khắp cả nước vào năm 2022 nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Hàn Quốc cho biết theo kế hoạch đầu tư mới, 3 nhà mạng viễn thông đã nhất trí nâng cấp mạng lưới 5G hiện ở Seoul và 6 thành phố khác trong năm nay và tiến đến việc xây dựng mạng lưới 5G trên cả nước từ nay đến nửa đầu năm 2022. ICT cho biết mạng lưới 5G sẽ đóng vai trò là cơ sở hạ tầng cốt lõi cho các dự án kỹ thuật số của chính phủ.