Bản cáo trạng mới thay thế cáo trạng được trình lên tòa án liên bang tại Brooklyn, thành phố New York (Mỹ), hồi năm ngoái.
Cáo trạng mới cáo buộc Huawei âm mưu đánh cắp các bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ của 6 công ty công nghệ Mỹ, và vi phạm luật chống tội phạm có tổ chức.
Cáo trạng cũng bao gồm những cáo buộc mới về sự dính líu của Huawei tại các nước đang bị áp đặt lệnh trừng phạt như Iran...
Theo cáo trạng, trong một số trường hợp, Huawei đã tuyển dụng nhân viên cũ của các công ty đối thủ đồng thời chỉ đạo nhân viên của mình thực hiện việc đánh cắp bí mật thương mại thông qua việc trao thưởng cho những ai lấy được thông tin có giá trị nhất.
Một phát ngôn viên của Huawei cho rằng cáo trạng trên là một phần của nỗ lực nhằm làm tổn hại đến danh tiếng và hoạt động kinh doanh của tập đoàn này vì những lý do liên quan đến cạnh tranh hơn là thi hành luật.
Cáo trạng mới là động thái mới nhất trong chiến dịch toàn cầu của Mỹ nhằm vào Huawei, sau khi đưa tập đoàn này vào "danh sách đen", cấm các công ty Mỹ cung cấp công nghệ và sản phẩm, vào năm ngoái, vì những lo ngại về an ninh.
Huawei đã bác cáo trạng vào tháng 1/2019, trong đó cáo buộc tập đoàn này lừa dối ngân hàng và vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại Iran của Mỹ.
Cả hai bản cáo trạng đều cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu và Huawei đã âm mưu lừa dối ngân hàng HSBC và các ngân hàng khác khi bóp méo mối quan hệ giữa tập đoàn này với một công ty hoạt động tại Iran.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 13/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn giấy phép tạm thời thêm 45 ngày để các công ty Mỹ tiếp tục làm ăn với Huawei.
Sau khi liệt Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã cho phép tập đoàn này mua một số hàng hóa do Mỹ sản xuất, trong một chuỗi lần gia hạn giấy phép để hạn chế tối thiểu những gián đoạn cho khách hàng.