Từ vùng cao nguyên gồ ghề của Papua Niu Ghinê tới những đảo xa xôi ở Tonga, cuộc cách mạng viễn thông ở khu vực Thái Bình Dương đang giúp xoá đói giảm nghèo và sự cô lập tại vài trong số những nước nghèo nhất thế giới.
Trong ít năm trở lại đây, làn sóng tự do hóa thị trường đã đưa điện thoại di động và máy tính xách tay (laptop) đến tay hàng triệu người trong khu vực, và những dịch vụ mà chúng mang lại đang giúp hàng triệu người thay đổi cuộc sống.
Viễn thông di động giúp cải thiện cuộc sống người dân tại các quốc đảo ở Thái Bình Dương. |
Nông dân giờ đây có thể gọi điện trước để kiểm tra giá cả tại các thị trường địa phương, người dân quê vốn chưa từng bao giờ đặt chân tới ngân hàng nay có thể vay vốn làm ăn thông qua dịch vụ di động. Thông qua chiếc điện thoại nhỏ bé, họ cũng được cảnh báo trước về khả năng sóng thần tấn công sau những trận động đất vốn thường xuyên xảy ra tại khu vực này.
Ông Gavin Murray, thuộc Công ty tài chính quốc tế (IFC), chi nhánh khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Người dân ở đây không có đường sá và nhiều nơi còn không có điện. Nhưng đùng một cái, họ có điện thoại di động và lập tức vật dụng nhỏ bé này tạo nên biến đổi khổng lồ trong xã hội. Hỏi bất kỳ người nào ở đây, câu trả lời mà bạn nghe được cũng sẽ là điện thoại di động đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ”.
Góp phần quan trọng mang lại sự thay đổi này cho các quốc đảo Thái Bình Dương là Công ty Digicel Pacific của Ailen. Được hỗ trợ khoảng 120 triệu USD vốn vay của IFC, Digicel Pacific đã đầu tư dịch vụ di động tại 6 quốc đảo Thái Bình Dương kể từ năm 2006.
Ông Murray cho biết chỉ trong vòng 2 năm rưỡi sau đó, số thuê bao di động tại Papua Niu Ghinê đã tăng từ 100.000 lên gần 3 triệu, trong khi ngân hàng trung ương ước tính ngành công nghiệp mới tự do hóa này góp thêm hơn 0,5% vào tăng trưởng GDP.
Giám đốc điều hành của Digicel Pacific, bà Vanessa Slowey cho hay giá cước di động đã giảm 60% chỉ trong một đêm ở Samoa, điểm đến đầu tiên của công ty tại khu vực này, nơi diện phủ sóng di động đã tăng từ 30% lên hơn 90%.
Tại quốc đảo tí hon Nauru, nơi Digicel mới đầu tư năm ngoái, sóng di động từ gần như không có nay đã phủ hơn 95% diện tích quốc đảo 10.000 dân, với hơn một nửa dân số đăng ký thuê bao di động trong tháng đầu 1/2010. Tính đến cuối tháng 10 vừa qua, khoảng 40% số hộ gia đình ở Nauru đã nối mạng khi Digicel triển khai dịch vụ WiMax mobile Internet.
“Bạn hãy hình dung, nếu mình đang ở một hòn đảo xa xôi ở Papua Niu Ghinê hay Vanuatu, nơi mà nếu may mắn bạn mới nhận được thực phẩm hai tuần một lần và phụ nữ thì thường bị tử vong khi sinh nở, bạn mới thấy được tác đụng to lớn mà dịch vụ di động mang lại cho người dân”, bà Slowey chia sẻ với hãng tin AFP.
Chiến lược của Digicel là mang đến dịch vụ viễn thông di động chất lượng với giá cả có thể chấp nhận được ở những nước mà các nhà mạng lớn không màng đến vì ngại “lợi nhuận thấp, rủi ro cao”. Tại khu vực quốc đảo Thái Bình Dương, công ty dựa phần lớn vào 1.200 nhân lực địa phương để xây dựng và duy trì các mạng di động ở những nơi thường xuyên xảy ra động đất, trong khi hàng nghìn người khác tham gia gián tiếp bằng việc bán sim, thẻ điện thoại.
Bà Slowey cho biết làm ăn ở vùng được mệnh danh là “Vành đai lửa Thái Bình Dương” này không hề dễ dàng. Chuyện bạn phải đi 20 giờ tàu biển để đến sửa chữa cột sóng di động bị hỏng do sóng thần, động đất hay sét đánh xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên, Digicel đã phát triển được nhờ tầm nhìn xa trông rộng và niềm tin vững chắc có thể thành công ở khu vực này.
Sự góp phần của Digicel đã tạo ra một cuộc cạnh tranh thực sự, và các nhà mạng chủ yếu do nhà nước quản lý ở khu vực này đã phải giảm giá cước và tìm kiếm các thị trường mới. Viễn thông di động cũng tạo nên một sức bật mới đối với nền kinh tế các quốc đảo Thái Bình Dương
Caleb Jarvis, Ủy viên Thương mại của Đầu tư và Kinh doanh tại các quốc đảo Thái Bình Dương, cơ quan xúc tiến thương mại khu vực có trụ sở tại Sydney, Ôxtrâylia, gọi đây là một “cuộc cách mạng” góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo ra sự thịnh vượng mới cho các quốc đảo này. Ông nói: “Khu vực tư nhân năng động tại các quốc đảo Thái Bình Dương đóng vai trò cực kỳ cần thiết để xóa bỏ đói nghèo tại những nước này và nếu các doanh nghiệp phát triển, họ có thể thuê thêm nhân công. Lực lượng lao động mới này sẽ đòi hỏi có sức khỏe và giáo dục tốt hơn để đáp ứng công việc. Về lâu dài, điều này sẽ tạo nên sự thay đổi tổng thể để cải thiện chất lượng sống của những người dân các quốc đảo Thái Bình Dương”.
Đỗ Sinh