Phát biểu khai mạc sự kiện công nghệ thường niên Web Summit kéo dài 4 ngày đang diễn ra tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, ông Tim Berners-Lee đã kêu gọi chính phủ các nước, giới công nghệ cũng như toàn thể cộng đồng "cư dân mạng" cùng thiết lập một "hợp đồng hoàn chỉnh" hướng tới một xã hội Internet an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn.
Lời kêu gọi của ông Berners-Lee được đưa ra trong bối cảnh mạng Internet toàn cầu đang phải chịu "búa rìu dư luận" về sự lan truyền của các tin tức giả (fake news). Cộng đồng chỉ trích các công ty công nghệ đã không hành động đủ mạnh để kiềm chế sự lây lan của tin giả, vốn gây nên sự phân cực xã hội trong các chiến dịch bầu cử trên toàn thế giới và tối đa hóa lợi nhuận cho các công ty bằng cách thu thập dữ liệu về thói quen duyệt web của người dùng.
Trong bài phát biểu, nhà khoa học Anh thừa nhận ông đã phát minh ra mạng toàn cầu năm 1989 với mục đích là kênh trao đổi thông tin, tuy nhiên giờ đây Internet đã phát triển chệch khỏi mục tiêu dự tính.
Ông Berners-Lee nhấn mạnh: "Đã có những yếu tố đi sai hướng. Chúng ta có tin giả, chúng ta gặp vấn đề về quyền riêng tư, chúng ta có những người bị giả mạo hoặc bị lôi kéo". Để giải quyết vấn đề này, nhà khoa học 63 tuổi kêu gọi cộng đồng thế giới chung tay thảo nên một "hợp đồng hoàn chỉnh" về một môi trường Internet "an toàn và dễ tiếp cận" cho toàn thể nhân loại vào tháng 5/2019 - thời điểm theo dự kiến lần đầu tiên 50% Trái Đất được kết nối trực tuyến.
Theo ông Berners-Lee, ông vừa ra mắt Inrupt - một công ty khởi nghiệp đang được xây dựng trên một mã nguồn mở tên là "Solid", với nhiệm vụ phân cấp web và cho phép người dùng chọn nơi dữ liệu của họ được lưu giữ, cùng những người được phép xem và truy cập các dữ liệu này.
Solid sẽ giúp người dùng thoát khỏi sự phụ thuộc những "gã khổng lồ" công nghệ như Google và Facebook - vốn đang ảnh hưởng trực tiếp đến 3/4 lưu lượng truy cập Internet nhờ vào số lượng lớn các ứng dụng và dịch vụ mà họ sở hữu như YouTube, WhatsApp và Instagram. Ngay cả những nhân viên của Google và Facebook cùng những công ty công nghệ danh tiếng khác gần đây cũng công khai thừa nhận họ hối hận vì đã giúp tạo nên những sản phẩm có hại và gây nghiện cho xã hội.
Ông cũng chỉ trích việc những "gã khổng lồ" công nghệ đã lạm dụng Internet để tạo nên thế độc quyền trong các lĩnh vực mà họ hoạt động. Cụ thể: các tài khoản Amazon chiếm tới 93% tổng doanh số bán sách điện tử, trong khi Google chiếm tới 92% tổng cho tiêu quảng cáo tìm kiếm trên mạng ở châu Âu.
Cùng chia sẻ quan điểm với nhà khoa học Anh, bà Mitchell Baker - Chủ tịch Quỹ Mozilla (một tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích đổi mới Internet) cho biết vấn đề nhức nhối của mô hình Internet hiện tại là các nội dung tiêu cực sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn, đồng nghĩa với đó là thu hút được nhiều quảng cáo hơn. Bà nêu rõ: "Ngày nay mọi người đều có tiếng nói nhưng vấn đề là ở chỗ... những giọng nói lớn tiếng nhất và bạo lực nhất lại có sức hút mạnh mẽ, bởi lẽ những điều tiêu cực nhất, đáng sợ nhất thu hút sự quan tâm của chúng ta".
Là sự kiện công nghệ lớn nhất châu Âu, Web Summit, hay còn gọi là "Davos cho giới lập trình", lần đầu tiên được tổ chức tại Dublin năm 2010 và thành phố Lisbon đảm trách đăng cai trong những năm sau đó. Chính phủ Bồ Đào Nha ước tính sự kiện này mỗi năm sẽ mang về cho Lisbon khoảng 300 triệu euro (khoảng 347 triệu USD) doanh thu từ khách sạn và các điểm đến khác. Ngoài ra, giới chức nước này cũng hy vọng Web Summit sẽ thúc đẩy sự phát triển của một thế hệ doanh nhân mới tại Bồ Đào Nha với "tầm nhìn toàn cầu". Sự kiện năm nay thu hút khoảng 70.000 người tham dự, trong đó bao gồm cả những đại diện từ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, các chính khách và các nhà khởi nghiệp, cùng hơn 1.500 nhà đầu tư.