Bảo vệ tính toàn vẹn của tin tức trong thời đại AI

Ngày 5/5, một nhóm gồm các đài phát thanh và nhà xuất bản toàn cầu đã kêu gọi các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đảm bảo công nghệ này phục vụ công chúng thông qua việc chống lại thông tin sai lệch và bảo vệ giá trị của tin tức dựa trên sự thật.

Liên minh Phát thanh châu Âu (EBU) có trụ sở tại Geneva cho biết liên minh này cùng với Hiệp hội các nhật báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Mỹ Latinh (AIL), Liên đoàn Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Bắc Mỹ mong muốn hợp tác với các công ty công nghệ phát triển AI tham gia sáng kiến "Tính toàn vẹn của tin tức trong thời đại AI". 

Nhóm này cho biết hàng nghìn phương tiện truyền thông công cộng và tư nhân trên nhiều định dạng phát sóng, in ấn và trực tuyến đã tham gia sáng kiến được công bố tại Đại hội truyền thông tin tức thế giới ở Krakow, Ba Lan này.

Sáng kiến kêu gọi nội dung tin tức chỉ được sử dụng trong các mô hình AI tạo sinh với sự cho phép của người sáng tạo nội dung và phải rõ ràng về nguồn gốc và độ chính xác. Theo đó, nguồn tin gốc đằng sau các tài liệu do AI tạo sinh phải "rõ ràng và dễ tiếp cận".

Kể từ khi AI trở nên phổ biến với sự ra mắt ứng dụng ChatGPT vào tháng 11/2022, các phương tiện truyền thông truyền thống đã phải vật lộn cạnh tranh với công nghệ mới này cũng như băn khoăn nên hợp tác hay chống lại các công ty đứng sau công nghệ này. 

Báo New York Times và một số tờ báo khác đã đệ đơn kiện bản quyền chống lại OpenAI và đối tác kinh doanh Microsoft với lý do các công ty công nghệ này đã đe dọa đến sinh kế của tờ báo khi đánh cắp hàng tỷ USD giá trị công việc của các nhà báo. Nhiều cơ quan truyền thông, bao gồm hãng tin Associated Press, đã ký thỏa thuận với OpenAI và Google để cung cấp tin tức thông qua ChatGPT và Gemini AI.

Tại Mỹ, các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Microsoft và OpenAI đã cam kết với Văn phòng Bản quyền rằng việc đào tạo các mô hình AI của họ phù hợp với học thuyết "sử dụng hợp lý" cho phép sử dụng hạn chế các tài liệu có bản quyền.

Nguyễn Viễn (TTXVN)
Mỹ: Tác động từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu tới năng lực chống thông tin sai lệch
Mỹ: Tác động từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu tới năng lực chống thông tin sai lệch

Trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, hàng loạt biện pháp bảo vệ chống lại thông tin sai lệch tại Mỹ đã bị dỡ bỏ, từ việc cắt giảm ngân sách nghiên cứu cho đến đóng cửa các cơ quan trọng yếu, làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia giữa bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN