Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã gửi thành công hình ảnh kiệt tác của Leonardo Da Vinci lên một tàu vũ trụ đang bay quanh Mặt Trăng bằng tia laser.
Một phiên bản kỹ thuật số của bức Mona Lisa đã được phát lên vũ trụ bằng tia laser. |
Hình ảnh nàng Mona Lisa đã từ trung tâm bay vũ trụ Goddard ở Maryland, vượt qua 384.000 km để tới tàu Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO). “Đây là lần đầu tiên thế giới thành công sử dụng sóng laser để truyền dữ liệu ở các khoảng cách vũ trụ”, ông David Smith thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết.
Để gửi được bức ảnh, Xiaoli Sun, nhà khoa học thuộc trung tâm Goddard của NASA và các đồng nghiệp đã chia hình ảnh Mona Lisa thành 30.400 pixel, đánh số thứ tự, rồi bắn lên vũ trụ với tốc độ truyền tải là 300 bit /giây.
Nơi nhận dữ liệu là con tàu LRO đang bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Khi thiết bị trên LRO nhận được sóng laser, nó sẽ cấu trúc lại hình ảnh giữa trên thứ tự mỗi pixel được gửi từ Trái Đất.
LRO được phóng lên vũ trụ tháng 6/2009 và bắt đầu bay vào quỹ đạo của Mặt Trăng từ đó. Người ta chọn LRO trong số rất nhiều tàu vũ trụ khác vì đây là một con tàu mới, có đầy đủ các trang thiết bị để nhận tín hiệu laser từ mặt đất, trong khi hầu hết các con tàu khác chỉ sử dụng sóng radio truyền thống.
Trong tương lai gần, phương pháp truyền dữ liệu này có thể được dùng như là một biện pháp liên lạc dự phòng bên cạnh phương pháp sóng radio truyền trống mà các vệ tinh sử dụng, và trong tương lai xa hơn nó có thể thay thế sóng radio để truyền dữ liệu với vận tốc cao hơn.
Thu Hằng