Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết đã thảo luận 30 phút với Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg để tìm ra cách thức thoát khỏi tình trạng hiện nay. Theo ông, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tuần này.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng hối thúc Facebook dỡ bỏ hạn chế chia sẻ tin tức với người dùng Australia và quay lại bàn đàm phán với các hãng tin của nước này.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Morrison mô tả động thái của Facebook ngăn người dùng tại Australia truy cập và chia sẻ tin tức là một mối đe dọa và làm "leo thang cuộc chiến". Ông cho biết đã thảo luận tình hình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Phó Chủ tịch chính sách công của Facebook khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Simon Milner đã đưa ra lời xin lỗi vì đã vô tình xóa các trang do các tổ chức từ thiện, cơ quan chính phủ và cơ quan y tế địa phương của nước này điều hành.
Nhật báo The Sydney Morning Herald và The Age dẫn lời ông Milner cho rằng đây là hậu quả không mong muốn của quyết định cấm tin tức hàng loạt. Ông Milner giải thích Facebook vẫn sử dụng nhân lực để đánh giá một nội dung có phải là tin tức hay không. Tuy nhiên, để thực hiện lệnh cấm vừa qua, công ty đã lên danh sách các trang mà công ty cho là thuộc phạm vị điều chỉnh của dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông được Chính phủ Australia đề xuất, sau đó sử dụng máy học và trí tuệ nhân tạo để xóa nội dung.
Theo ông Milner, vẫn còn một số trang mà công ty đang xem xét và cho rằng không phải là các trang tin tức nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ quy tắc do văn kiện này đưa ra định nghĩa còn mơ hồ về nội dung tin tức.
Ông Milner nêu rõ: “Đây là một việc thực sự khó khăn. Chúng tôi chưa bao giờ làm việc này trước đây. Chúng tôi rất tiếc vì những sai lầm đã mắc phải trong quá trình thực hiện".
Nhiều nước đã chỉ trích mạnh mẽ sau khi Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức nhằm phản đối dự luật mới ở nước này. Quyết định của Facebook đã khiến trên 17 triệu người dùng ở Australia đã không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương trên nền tảng này. Không những thế, họ cũng tìm thấy thông tin từ các trang của các tổ chức như Cục Khí tượng và Cơ quan Phòng chống Tự tử Australia.
Đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết động thái này là nhằm phản đối việc Quốc hội Australia đang xem xét thông qua dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này.