Đây là một động thái hiếm hoi từ Apple, vốn lâu nay luôn phản đối sự giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh EU đối với hoạt động kinh doanh của mình. Hiện tại, Apple còn đang phải đối mặt với 3 cuộc điều tra khác theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) liên quan đến các hoạt động kinh doanh của hãng.
Theo thỏa thuận với EU, việc Apple mở hệ thống thanh toán di động chạm sẽ có hiệu lực trong 10 năm. Hiện có hơn 3.000 ngân hàng và nhà phát hành tại châu Âu đang cung cấp dịch vụ Apple Pay.
Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU Margrethe Vestager hoan nghênh quyết định của Apple, cho rằng từ nay trở đi, các đối thủ sẽ có thể cạnh tranh hiệu quả với Apple Pay trong lĩnh vực thanh toán di động bằng iPhone tại các cửa hàng. Nhờ vậy, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn ví di động an toàn và sáng tạo hơn.
Công nghệ thanh toán di động chạm của Apple sử dụng giao tiếp trường gần (NFC), cho phép thanh toán không tiếp xúc bằng ví di động. Giờ đây, Apple sẽ cho phép các nhà phát triển truy cập NFC của mình để xây dựng trước các ứng dụng thanh toán cho các nhà cung cấp ví di động đối thủ.
Apple cho rằng việc làm này của hãng sẽ giúp cho các nhà phát triển châu Âu có thêm lựa chọn để kích hoạt thanh toán chạm cho chìa khóa xe, thẻ công ty, chìa khóa nhà, chìa khóa khách sạn, phần thưởng/ưu đãi của thương nhân và vé sự kiện từ trong ứng dụng iOS của họ.
Năm 2022, cơ quan quản lý cạnh tranh EU đã cáo buộc Apple cản trở cạnh tranh đối với ví di động Apple Pay bằng cách chặn các nhà phát triển ứng dụng đối thủ truy cập vào công nghệ thanh toán di động chạm của hãng.
Tháng 1 năm nay, Apple đã đề nghị dàn xếp vụ việc để tránh bị phạt và kết tội vi phạm. Tháng 3, Apple đã bị phạt 1,84 tỷ euro, khoản phạt chống độc quyền đầu tiên của EU, vì cản trở cạnh tranh từ Spotify và các đối thủ phát trực tuyến nhạc khác thông qua các hạn chế trên App Store.