Ứng phó với nguy cơ dịch sởi ở mức độ cao

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực giám sát tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi.

Chú thích ảnh
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh sởi. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ công cụ đánh giá nguy cơ dịch sởi được Tổ chức Y tế thế giới xây dựng nhằm hỗ trợ xác định khoảng trống đang tồn tại, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đánh giá nguy cơ dịch bệnh này ở địa phương đang là mức độ nguy cơ cao.

Do đó, Sở Y tế tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi, rubella năm 2024 với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc/tử vong do bệnh sởi và rubella. Tỉnh tăng tỷ lệ tiêm chủng để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng; phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động để tỷ lệ mắc sởi đạt dưới 5/100.000 dân; 95% trở lên trẻ dưới 5 tuổi được tiêm đủ mũi vaccine sởi, sởi - rubella; 100% ca bệnh sởi, rubella mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn được kịp thời triển khai các biện pháp, xử lý triệt để theo quy định…

Để việc phòng, chống bệnh sởi đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tuyến đã được kiện toàn, giúp tăng cường chỉ đạo, thiết lập sự điều phối, hợp tác giữa ngành Y tế và các ngành có liên quan; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Đắk Lắk cũng đẩy mạnh tuyên truyền cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh sởi, rubella... Tỉnh rà soát các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng ở tất cả các xã, phường, thị trấn; tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm vét, tiêm bổ sung cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng sởi, sởi - rubella. Tỉnh đảm bảo không để sót đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp (vùng lõm)…

Từ đầu năm 2024 đến nay, Đắk Lắk ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh sởi và đang triển khai đồng loạt các hoạt động, không để dịch sởi bùng phát và lan rộng. Mới đây, ngày 8/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp bệnh nhi là N.T.Đ (nam, 1 tuổi, trú tại xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) mắc sởi.

Ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay khi ghi nhận trường hợp, Trung tâm tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh. Kết quả điều tra cho thấy, gia đình bệnh nhi không ai mắc bệnh tương tự. Trong vòng 1 tháng qua, trẻ không đi khỏi địa phương. Xung quanh nhà bệnh nhân chưa có ai đã từng hoặc đang mắc bệnh sởi. Đặc biệt, bệnh nhi chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Đơn vị đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin phối hợp Trạm Y tế xã Đrây Bhăng xử lý môi trường bằng hóa chất tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh với tổng số 15 hộ gia đình; hướng dẫn gia đình trẻ khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ…; truyền thông trực tiếp công tác phòng, chống bệnh sởi khu vực xung quanh nhà bệnh nhân.

Theo ông Hoàng Hải Phúc, trẻ mắc bệnh là do chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh. Hiện, ngành Y tế tỉnh đang điều tra, rà soát, thống kê tất cả đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm vaccine phòng bệnh sởi, sởi - rubella; lập kế hoạch, dự trù vaccine và tổ chức tốt các hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng này.

Trước đó, ngày 28/4, bệnh nhân H.Q. B (sinh năm 2023, tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là người mắc bệnh sởi đầu tiên tại Đắk Lắk trong năm 2024...

Nguyên Dung (TTXVN)
Bệnh sởi quay trở lại, cảnh báo 'khoảng trống miễn dịch' trong cộng đồng
Bệnh sởi quay trở lại, cảnh báo 'khoảng trống miễn dịch' trong cộng đồng

Thời gian gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung đang ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN