Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến tuần 28 năm 2025, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 15.538 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 159,4% (9.548 ca) so với cùng kỳ năm 2024 (5.990 ca) và ghi nhận tổng cộng 10 ca tử vong.
Trẻ bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Cụ thể, khu vực TP Hồ Chí Minh cũ ghi nhận 11.914 ca (tăng 167,1% so với cùng kỳ 2024), trong đó 222 ca chuyển nặng (cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2024) và có 6 trường hợp tử vong; khu vực Bình Dương ghi nhận 2.695 ca (tăng 148% so với cùng kỳ 2024), trong đó 65 ca chuyển nặng (cao gấp 5 lần so với cùng kỳ 2024) và 3 trường hợp tử vong; khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 929 ca (tăng 109,2% so với cùng kỳ 2024) có một trường hợp tử vong.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tổng số ca mắc được ghi nhận cho thấy, dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn. Những con số về ca chuyển nặng và ca tử vong cho thấy gánh nặng điều trị đang gây áp lực lên hệ thống y tế, đòi hỏi sự phối hợp và hành động nhanh chóng từ chính quyền, ngành Y tế và cộng đồng trong việc tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng, ngăn chặn dịch lan rộng, cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh để kịp thời điều trị.
Theo đó, ngành y tế đã tăng cường các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch và đánh giá điểm nguy cơ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình. Công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết được đẩy mạnh qua nhiều kênh, trong đó đẩy mạnh hướng dẫn sử dụng ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân tiếp cận phản ánh các điểm nguy cơ phát sinh muỗi gây bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước những thách thức của tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue đang gia tăng trên địa bàn thành phố (sau khi sáp nhập), chuyển đổi số báo cáo và quản lý ca bệnh là một giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, Sở Y Tế TP Hồ Chi Minh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh sốt xuất huyết thông qua nền tảng quản lý sức khỏe cộng đồng.
Đây là hệ thống thông tin do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2021 nhằm quản lý trực tuyến công tác thu dung, điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng đồng thời quản lý ca F0 tại nhà. Trong dịch sởi năm 2024, nền tảng được mở rộng để tiếp tục quản lý ca bệnh sởi đến khám và điều trị tại các bệnh viện.
Thông qua nền tảng, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thực hiện công tác nhập liệu báo cáo theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 54/2015/TT-BYT, bao gồm nhập ca mới mắc và cập nhật, bổ sung diễn tiến của mỗi ca bệnh nội trú, phân độ người bệnh hàng ngày để không sót dữ liệu hoặc gián đoạn thông tin ca bệnh. Từ những thông tin ca bệnh “chỉ điểm” (index case) được báo cáo theo thời gian thực, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Thành phố và các Trung tâm y tế nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng dịch tại ổ dịch, hạn chế dịch bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, việc báo cáo ca bệnh truyền nhiễm vào nền tảng quản lý sức khỏe cộng đồng không chỉ phục vụ cho giám sát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố mà còn giúp Sở Y tế quản lý được tình hình bệnh nhân các tỉnh khác đến khám và điều trị tại các bệnh viện của Thành phố, qua đó có thể chủ động điều phối các nguồn lực phù hợp với các tình huống dịch.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hạn chế số ca mắc bệnh và hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là 2 mục tiêu cần đạt được trong ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue. Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phối hợp với Trung tâm y tế khu vực chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với UBND phường, xã, đặc khu huy động ban ngành đoàn thể, lực lượng y tế thôn bản, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, thu gom, dọn dẹp các vật chứa nước tại những điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết.
Nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh nghiêm túc thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue ban hành kèm theo Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 04/7/2023 của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn lại cho tất cả nhân viên y tế của đơn vị, đặc biệt là nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử lý kịp thời.
Tăng cường hội chẩn nội viện, giữa các chuyên khoa và hội chẩn với Tổ chuyên gia về sốt xuất huyết của Sở Y tế, đặc biệt bắt buộc đối với các trường hợp bệnh nặng, có nhiều yếu tố nguy cơ phối hợp. Rà soát, củng cố các quy trình bảo đảm an toàn người bệnh khi chuyển viện, đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin tình trạng người bệnh cho đơn vị tiếp nhận.
Đồng thời, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng.