Phòng tránh cúm trong thời điểm giao mùa

Hiện đang là thời điểm giao mùa Đông - Xuân, với độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm gia tăng cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là dịch cúm.

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm A đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, số ca mắc cúm gia tăng, chủ yếu là các chủng cúm phổ biến như: cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Thống kê từ tháng 1/2025, khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 250 ca bệnh cúm các loại.

Thạc sỹ, Bác sỹ Đinh Thị Bích Thục, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán 2025, số ca mắc cúm đến khám, điều trị có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm/ngày. Cao điểm có ngày bác sỹ của khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E khám cho gần 40 người bệnh, trong đó chiếm tới một nửa là người mắc cúm. Không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, hô hấp…), ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nếu chủ quan. Hiện, Khoa Bệnh Nhiệt đới đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 20 người bệnh mắc cúm các loại.

Thạc sỹ, Bác sỹ Đinh Thị Bích Thục cho biết: Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc cúm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy theo từng đối tượng. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm (A/H1N1, A/H3N2, B, C) gây ra. Virus cúm lây lan nhanh qua đường hô hấp thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.

Mùa đông - xuân, khí hậu lạnh ẩm rất thuận lợi cho virus cúm mùa phát triển, gây bệnh và bùng phát dịch. Mặc dù nhiều trường hợp cúm có thể tự hồi phục, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm, như: viêm phổi, suy hô hấp, bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí đe dọa tính mạng ở những trường hợp nặng. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.. 

Người mắc bệnh cúm mùa thường có các triệu chứng điển hình: Sốt cao, thường trên 38°C, có thể kèm theo gai rét hoặc rét run; đau đầu, đau mỏi cơ, toàn thân, mệt mỏi, chán ăn; ho khan hoặc ho có đờm, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi. Trường hợp nặng có thể gây viêm phổi - phế quản dẫn đến suy hô hấp; tổn thương và suy đa tạng, tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những người có nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm mùa bao gồm: phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ; trẻ em dưới 5 tuổi; người trên 65 tuổi; người có các bệnh mãn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi và đái tháo đường; người có nguy cơ phơi nhiễm cúm cao, bao gồm cả nhân viên y tế.

Các bác sỹ khuyến cáo người dân cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa cúm chủ động: Tiêm vaccine cúm hàng năm. Vaccine là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng; thời điểm tiêm tốt nhất là trước mùa dịch (tháng 3 - 4 hoặc 10 - 11); vệ sinh cá nhân và môi trường (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; che miệng khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, khuỷu tay, bỏ khăn đúng nơi quy định; đeo khẩu trang ở nơi đông người, khi tiếp xúc với người bệnh; vệ sinh nhà cửa, lau chùi vật dụng bằng hóa chất diệt khuẩn); tăng cường sức đề kháng (ăn uống đủ chất: Bổ sung vitamin C, kẽm, rau xanh, trái cây; giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, tránh ăn uống đồ lạnh; tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc); hạn chế tiếp xúc nguồn lây cúm (tránh tụ tập đông người khi có dịch; giữ khoảng cách tối thiểu 1–2m với người nghi nhiễm; cách ly người bệnh tại phòng riêng, đeo khẩu trang khi chăm sóc).

Khi nghi ngờ mắc cúm, người dân không tự ý dùng thuốc kháng virus (ví dụ: Tamiflu) hoặc thuốc kháng sinh. Cần đi khám bệnh, tham vấn và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Theo dõi sát triệu chứng của bệnh: Nếu sốt cao không hạ, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh và theo dõi điều trị. Cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang để tránh lây lan.

PV (TTXVN)
Nhiều người trẻ mắc cúm diễn biến nặng phải nhập viện
Nhiều người trẻ mắc cúm diễn biến nặng phải nhập viện

Dịch cúm gia tăng, không chỉ cúm A nguy hiểm, người trẻ mắc cúm B (cúm mùa thông thường) cũng có trường hợp diễn biến nặng phải nhập viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN