Phòng chống dịch đậu mùa khỉ: Tránh lặp lại sai lầm ban đầu khi ứng phó với HIV/AIDS

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Trong khi đó, theo chuyên gia sức khỏe cộng đồng Keletso Makofane, phản ứng toàn cầu trước dịch bệnh đậu mùa khỉ là “tồi tệ hơn phản ứng ban đầu với HIV”.

Chú thích ảnh
Các em bé bị mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Cộng hoà Dân chủ Congo. Ảnh: WHO/TTXVN

Ngày 31/7, các nhà khoa học và hoạt động xã hội tham dự hội nghị quốc tế về phòng chống HIV/AIDS 2022 ở thành phố Montreal (Canada) đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới tăng cường nguồn lực để xử lý đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ. Lời kêu gọi được đưa ra khi các chuyên gia quốc tế thảo luận về sự cần thiết của việc tránh lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong quá trình phản ứng ban đầu với HIV/AIDS.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Giáo sư Marina Klein, Giám đốc nghiên cứu thuộc Đại học McGill ở Quebec, cho biết Montreal có thể được xem là một hình mẫu chống dịch vì đã có phản ứng rất nhanh khi triển khai tiêm chủng phòng bệnh. Montreal là "tâm chấn" ban đầu của các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở Canada, với khoảng 360 ca tính đến ngày 29/7. Hiện đã có hơn 800 ca mắc đậu mùa khỉ ở Canada. Giáo sư Marina Klein nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng vaccine, nhưng cũng cần nghiên cứu mức độ lây truyền bệnh đậu mùa khỉ.

Keletso Makofane, một nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Harvard, nhận định phản ứng toàn cầu trước dịch bệnh đậu mùa khỉ là “tồi tệ hơn phản ứng ban đầu với HIV”. Hơn 19.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo trong vài tháng qua từ 78 quốc gia, chủ yếu ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Theo chuyên gia nghiên cứu này, tâm lý mệt mỏi nói chung do chiến đấu với dịch COVID-19 đã khiến phản ứng với dịch đậu mùa khỉ chậm hơn mức cần thiết.

Hiện vaccine của nhà sản xuất Bavarian Nordic (Đan Mạch) là vaccine duy nhất được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Tiến sĩ Meg Doherty, Giám đốc các chương trình toàn cầu về HIV, viêm gan và STI (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng một cách tiếp cận công bằng là rất quan trọng để đảm bảo các công cụ này không chỉ có sẵn ở các quốc gia giàu có mà còn ở châu Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Các quan chức của Cơ quan y tế công cộng Canada cho biết 70.000 liều vaccine Imvamune của hãng Bavarian Nordic đã được chuyển đến các tỉnh và khoảng 27.000 liều đã được tiêm. Canada đang kêu gọi các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như nam giới quan hệ tình dục đồng giới, đi tiêm phòng để hạn chế sự lây lan.

Hội nghị quốc tế về AIDS năm 2022 - diễn ra từ ngày 29/7 đến ngày 2/8 - thu hút hơn 9.000 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới, và 2.000 đại biểu đăng ký tham gia trực tuyến.

Hương Giang (TTXVN)
Sudan: Trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ là học sinh
Sudan: Trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ là học sinh

Ngày 31/7, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN