Trong số các địa phương, Tokyo là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất với 18.919 ca, sau đó là Osaka - 12.351 ca, Kanagawa - 7.638 ca và Aichi - 7.269 ca. Số ca nhiễm mới ở Nhật Bản gia tăng trở lại khi làn sóng lây nhiễm mới nhất bắt đầu từ cuối tháng 6 vừa qua. Theo giới chuyên gia Nhật Bản, do chưa dự đoán được thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm lần này nên số ca tử vong và số ca bệnh nặng sẽ tiếp tục tăng lên. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 14/7 đã kêu gọi người dân thận trọng tối đa trước làn sóng dịch lần này này.
* Cùng ngày 16/7, Ấn Độ cũng ghi nhận 20.044 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, quốc gia này có số ca nhiễm mới vượt 20.000 ca/ngày. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này hiện ghi nhận tổng cộng 43.730.071 ca COVID-19. Với số ca mắc mới tăng cao, số người đang phải điều trị hiện là 140.760 trường hợp.
Ngoài ra, trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng có thêm 56 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh trên cả nước lên 525.660 người.
* Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) sẽ gia hạn lệnh phong tỏa các sòng bạc và các cơ sở kinh doanh khác đến ngày 22/7 tới trong bối cảnh đặc khu này đang phải nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo kế hoạch, nếu không được gia hạn, lệnh phong tỏa tại trung tâm sòng bạc lớn nhất thế giới sẽ hết hạn vào ngày 18/7.
Khu hành chính đặc biệt Macau đã áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 4/7, theo đó đóng cửa các sòng bạc, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà ngoại trừ khi đi mua các mặt hàng thiết yếu. Kể từ giữa tháng 6 đến nay, Macau ghi nhận khoảng 1.700 ca COVID-19. Đến nay, hơn 90% dân số ở Macau đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 nhưng đây là lần đầu tiên đặc khu này phải chật vật ứng phó với biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh.
Khu hành chính đặc biệt Macau chỉ có duy nhất 1 bệnh viện công và đã bị quá tải trước sự bùng phát của làn sóng lây nhiễm hiện nay. Chính quyền đặc khu đã thiết lập một bệnh viện dã chiến để phục vụ bệnh nhân COVID-19 với sự hỗ trợ của khoảng 600 nhân viên y tế từ Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), giới chức đặc khu đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ngay cả khi số ca nhiễm mới theo ngày vượt quá 3.000 ca, nhằm nỗ lực tái khởi động trung tâm tài chính và kinh tế này.