Giáo sư Manickam nhấn mạnh điều đầu tiên là cần luôn cảnh giác trước nguy cơ bị lây nhiễm. Điều này đòi hỏi người dân phải luôn đeo khẩu trang tại không gian hẹp; sử dụng chất sát khuẩn tay hoặc rửa tay thường xuyên và tuân theo các quy trình vận hành tiêu chuẩn; tự xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nếu có những triệu chứng nghi ngờ. Người dân cần nhớ quy trình: xét nghiệm, báo cáo, cách ly và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế nếu có các triệu chứng mắc COVID-19.
Biện pháp thứ 2 là tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Trong bối cảnh hiện mới có 68,5% người trưởng thành tại Malaysia đã được tiêm mũi vaccine tăng cường, 31,5% người trưởng thành còn lại cần đi tiêm mũi bổ sung vì vaccine làm giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh.
Biện pháp thứ 3 là duy trì sức khỏe bằng cách ăn uống lành mạnh. Người dân cần tập thể dục thường xuyên và đảm bảo cơ thể nhận được đủ lượng kẽm, Vitamin C và Vitamin D để chống lại các bệnh đường hô hấp. Biện pháp thứ 4 là cần bảo vệ những người cao tuổi. Những người cao tuổi thường có bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì và các vấn đề về tim mạch đều phải theo dõi sức khỏe. Biện pháp thứ 5 là người dân nên đảm bảo thông gió thích hợp ở nhà và tại nơi làm việc. Biện pháp cuối cùng, theo Giáo sư Manickam, là cần phải nhanh chóng nghiên cứu về "siêu vaccine" có khả năng chống lại mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 .
Gần đây, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang chiếm ưu thế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các biến thể phụ này là kết quả của quá trình đột biến gene, do vậy chúng dễ lây và tăng khả năng gây bệnh. Trong đó, với khả năng lẩn tránh kháng thể sản sinh từ vaccine hay từng mắc COVID-19, BA.5 được các chuyên gia y tế đánh giá là biến thể phụ nguy hại nhất.