Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố là đầu mối theo dõi và cập nhật thông tin về các bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế để tham mưu cho Sở Y tế Hà Nội kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, tại Campuchia đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 và tất cả đều tử vong. Việt Nam cũng ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại các tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang và Long An. Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh cúm gia cầm, nhất là các trường hợp tham gia giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý tốt ca bệnh (nếu có) và xử lý không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ngành y tế giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng nghi do virus và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế, cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh cúm có độc lực cao như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9... và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội để nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người để có phương án phối hợp đáp ứng phù hợp.
Song song với việc giám sát dịch bệnh, trung tâm cần chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, thiết bị và nhân lực để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch; truyền thông các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch bệnh tại địa phương và xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn.
Các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đáp ứng các tình huống dịch bệnh xảy ra; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế...