Xử phạt nghiêm các vi phạm phòng dịch
Để tiếp tục tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động và đồng bộ trên địa bàn, đảm bảo người dân được đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu, toàn hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương sẵn sàng vào cuộc, chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch trong thẩm quyền; sẵn sàng vận hành các phương án và biện pháp ứng phó phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị, người dân tuân thủ thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, phối hợp thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp trở về từ các ổ dịch mà không khai báo. Ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi tập trung đông người, nhất là ở bệnh viện, nhà ga, sân bay, bến xe, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Đặc biệt, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử phạt người không đeo khẩu trang; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Thành phố cần hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, lễ hội không cần thiết, nhất là hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Lực lượng liên ngành có trách nhiệm thiết lập chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe để khai báo y tế, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời phát hiện trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ vùng dịch để có biện pháp can thiệp y tế phù hợp.
Cách ly y tế tập trung 21 ngày đối với ca có nguy cơ lây nhiễm
Thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày, tính từ ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây hoặc ngày rời khỏi địa phương có dịch đối với trường hợp: tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 (F1); người từng đi đến, trở về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); người từng đi đến, về từ các khu vực đang bị phong tỏa trên cả nước (áp dụng đến khi khu vực hết phong tỏa).
Cách ly y tế tại nhà đủ 21 ngày, tính từ ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây hoặc ngày rời khỏi địa phương có dịch đối với các trường hợp: tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 (F2) (nếu kết quả xét nghiệm F1 âm tính với SARS-CoV-2 thì F2 được kết thúc việc cách ly); người từng đi đến, về từ tỉnh Hải Dương (trừ thành phố Chí Linh), tỉnh Quảng Ninh (trừ sân bay Vân Đồn); người từng đi đến, trở về từ các quận, huyện có trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng của Hà Nội; người từng đi đến, trở về từ các các xã, phường có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trên cả nước; người đã từng đến, đi về từ các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn nhưng không phải là người tiếp xúc gần (F1).
Theo dõi sức khỏe tại nhà đủ 21 ngày, tính từ ngày rời khỏi địa phương có dịch đối với các trường hợp: người đã từng đi đến, về từ quận, huyện chưa có ca bệnh của Hà Nội; người đã từng đi đến, về từ các xã, phường chưa có ca bệnh thuộc các tỉnh, thành phố đang có ca mắc, người nghi ngờ là F1, F2.
Tất cả trường hợp cách ly y tế đều được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần: lần 1 vào ngày phát hiện, lần 2 vào ngày thứ 14, lần 3 vào ngày thứ 21 kể từ ngày rời khỏi địa phương có dịch hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây.
Đối với trường hợp từ ngày rời khỏi địa phương có dịch hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây đến ngày phát hiện trên 12 ngày thì sẽ lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần 1 vào ngày phát hiện, lần 2 vào ngày thứ 21 kể từ ngày rời khỏi. Còn trường hợp từ ngày rời khỏi địa phương hoặc ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây đến lúc phát hiện trên 18 ngày sẽ lấy mẫu 1 lần vào ngày phát hiện.